Xây dựng lộ trình phù hợp, không làm gián đoạn hoạt động thanh tra

Xây dựng lộ trình phù hợp, không làm gián đoạn hoạt động thanh tra
4 giờ trướcBài gốc
Thảo luận tại Tổ 8 chiều 8/5.
Làm rõ cơ chế phối hợp
Thảo luận tại phiên họp Tổ 8 của Quốc hội chiều 8/5, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ) bày tỏ quan tâm đến dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo Đại biểu, việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh đòi hỏi sự điều chỉnh lớn về cơ cấu tổ chức, biên chế, nhân sự.
Do đó, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp để bảo đảm không gián đoạn hoạt động thanh tra, cũng như có sự đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực của các cơ quan thanh tra, không dẫn đến quá tải công việc. Đồng thời, bảo đảm về chuyên môn đa ngành khi tập trung về Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh các chức năng thanh tra chuyên ngành.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ không tổ chức Thanh tra Bộ và giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp xã để bảo đảm yêu cầu chuyên môn trong thanh tra các lĩnh vực đặc thù và ở cơ sở.
Cũng theo đại biểu, tại Kỳ họp thứ 9, cùng với Luật Thanh tra (sửa đổi), Quốc hội cũng sẽ xem xét, sửa đổi một số luật khác có nội dung liên quan đến thanh tra như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh niên, Luật Khoa học và Công nghệ... Do đó, cần rà soát kỹ các luật này để đề xuất lược bỏ các nội dung liên quan đến thanh tra hoặc sửa đổi để bảo đảm thống nhất với quy định mới của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Cùng với các nội dung trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung những quy định về biện pháp, chế tài đảm bảo thực hiện kết luận của Thanh tra. Đại biểu nêu, thực tế có những vụ việc đã thanh tra, kết luận rõ ràng nhưng việc chỉ đạo thực hiện vẫn bị chậm trễ. Trong đó có việc xử lý sai phạm, xử lý cán bộ, thu hồi kinh tế...; chưa tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; chưa khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý...
Khó xác định hành vi "cố ý"
Băn khoăn về quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho biết, dự thảo Luật quy định người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo Đại biểu, thực hiện quy định này rất khó bởi không có căn cứ để chứng minh việc cố ý không phát hiện hành vi vi phạm. Do đó, Đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đề cập đến quy định về thanh tra lại, Đại biểu cho hay, dự thảo Luật quy định Cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế.
Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định phân cấp đối với các cơ quan thanh tra này. Đại biểu cho rằng, việc phân cấp giữa Thanh tra Chính phủ và cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế thì chưa rõ.
Để quy định được rõ ràng, Đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng quy định cụ thểThanh tra Chỉnh phủ thanh tra lại đối với Kết luận của Thanh tra Chính phủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thanh tra lại đối với Kết luận của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/xay-dung-lo-trinh-phu-hop-khong-lam-gian-doan-hoat-dong-thanh-tra.html