Xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính

Xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính
3 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, chuyên viên Sở Nội vụ rà soát dữ liệu hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai Dự án 513, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án; ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 513; tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các địa phương trong tỉnh và triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị liên quan gặp không ít khó khăn. Trong số 547 tuyến ĐGHC cấp xã có 43 tuyến ĐGHC các địa phương đề nghị tổ chức hiệp thương, rà soát, dẫn tuyến lại do không thống nhất giữa hồ sơ và bản đồ, hoặc do quá trình phát triển sản xuất của người dân và biến đổi tự nhiên làm thay đổi hiện trạng các điểm đặc trưng trên đường ĐGHC.
Cụ thể, tại thị xã Mỹ Hào, bên cạnh việc chuyển từ huyện Mỹ Hào thành thị xã Mỹ Hào và 7 xã, thị trấn thành mô hình chính quyền đô thị, hàng loạt dự án công nghiệp, dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây mới, nâng cấp làm mất dấu vết mốc giới, phá vỡ, biến dạng ĐGHC; hay như điểm giáp ranh giữa phường Minh Đức (thị xã Mỹ Hào) với xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương) bị phá vỡ, biến dạng 0,22km do xây dựng Công ty TNHH American Feed...
Tại huyện Khoái Châu, trước đây việc quản lý ĐGHC căn cứ bộ hồ sơ, bản đồ ĐGHC 364 (Chỉ thị số 364-CT ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, do việc xác định mốc giới, ĐGHC chưa chặt chẽ nên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm biến dạng, mất dấu vết nhận biết trên thực địa, từ đó đã xảy ra tình trạng tranh chấp ĐGHC, khó khăn trong công tác quản lý địa bàn của chính quyền, như 2 điểm giáp ranh giữa xã Đông Kết và xã Tứ Dân, 1 điểm giữa xã Phùng Hưng và xã Đại Hưng…
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hàng chục điểm xâm canh, xâm cư tại các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, thị xã Mỹ Hào... gây khó khăn cho việc hiệp thương xác định vị trí mốc giới, tuyến ĐGHC.
Quá trình triển khai thực hiện Dự án 513 trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thời gian dự án kéo dài; việc hiệp thương, xác định mốc giới liên quan đến chính quyền nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, có những mốc giới, tuyến ĐGHC phải hiệp thương nhiều lần mới đi đến thống nhất; một số địa phương cấp huyện, cấp xã thay đổi đơn vị hành chính (ĐVHC)… Đặc biệt, việc phối hợp giữa UBND tỉnh Hưng Yên với UBND Thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương để xác định vị trí mốc giới, tuyến ĐGHC, lập và ký xác nhận bộ hồ sơ bản đồ ĐGHC cấp tỉnh không chỉ khó khăn trên thực địa mà số lượng hồ sơ, bản đồ ĐGHC nhiều và bắt buộc lãnh đạo UBND cấp tỉnh phải ký trực tiếp vào từng bộ hồ sơ, bản vẽ nên cần rất nhiều thời gian để hoàn thành...
Sau 12 năm triển khai thực hiện, đến nay các nội dung, nhiệm vụ của Dự án 513 trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành. Theo đó, kết quả hiệp thương, xác định địa giới ĐVHC toàn tỉnh có 5 tuyến ĐGHC cấp tỉnh giáp ranh với Thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam; 39 tuyến ĐGHC cấp huyện; 547 tuyến ĐGHC cấp xã. Toàn tỉnh có 663 mốc địa giới (cấp xã 543 mốc, tăng 34 mốc; cấp huyện 98 mốc, tăng 6 mốc, đều do chôn bổ sung các mốc trên đường ĐGHC tại các vị trí hiện trạng bị phá vỡ hoặc vị trí dễ xảy ra tranh chấp; cấp tỉnh 22 mốc, không thay đổi so với trước). Trong số 663 mốc địa giới có 40 mốc đúc, cắm mới; khôi phục mốc cũ 285 mốc và sửa chữa 100 mốc... Về tuyến ĐGHC, cấp tỉnh có 5 tuyến với tổng chiều dài 189,7km, tăng 4,7km so với trước khi thực hiện Dự án 513; cấp huyện có 39 tuyến với tổng chiều dài 394,9 km, tăng 7,3 km; cấp xã có 547 tuyến, tổng chiều dài 1.197,1km, tăng 23,9km.
Việc tăng, giảm về tổng chiều dài các tuyến ĐGHC là do khi thực hiện Chỉ thị số 364, công tác đo đạc, tính khoảng cách các tuyến ĐGHC được tính bằng phương pháp thủ công nên chưa chuẩn xác, khi thực hiện Dự án 513, các tuyến ĐGHC được đo tự động bằng máy tính, trên nền bản đồ quốc gia VN-2000 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp có độ chính xác cao. Mặt khác, do số liệu trong thiết kế kỹ thuật - dự toán một số tuyến còn chưa chính xác do khi thống kê đã bị phá vỡ, biến dạng nên không thể đo chính xác... Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, bản đồ, vị trí các mốc ĐGHC được xác định tọa độ và số hóa cơ sở dữ liệu. Qua đó, xác định rõ phạm vi quản lý theo ĐVHC của tỉnh và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Bản đồ ĐGHC là loại bản đồ quan trọng trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên, là công cụ quan trọng và có thể ứng dụng nhiều trong cuộc sống. Khi chính thức được phê duyệt, hồ sơ, bản đồ ĐGHC sẽ là cơ sở pháp lý giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý xã hội, làm căn cứ để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Để hồ sơ, bản đồ ĐGHC thực sự góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi Chủ tịch UBND các địa phương phải quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ ĐGHC an toàn; quản lý tốt mốc ĐGHC; tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân bảo vệ mốc ĐGHC; kịp thời tổ chức khôi phục, sửa chữa khi phát hiện mốc bị xê dịch, hỏng, mất. Hằng năm, Chủ tịch UBND các cấp cần báo cáo cấp trên về tình hình quản lý mốc ĐGHC và các sở, ngành cũng cần chủ động phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng, hoàn thiện, số hóa bản đồ chuyên ngành phù hợp với bản đồ ĐGHC cấp tỉnh; tiến tới quản lý hồ sơ, bản đồ ĐGHC bằng công nghệ số trên các phần mềm chuyên dụng để vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về ĐGHC hiệu quả.
Lệ Thu
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/xay-dung-quan-ly-su-dung-hieu-qua-ho-so-ban-do-dia-gioi-hanh-chinh-3176359.html