'Xẻ thịt' rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

'Xẻ thịt' rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh
10 giờ trướcBài gốc
Hàng trăm cây phi lao thuộc diện tích rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê bị đốn hạ không thương tiếc.
Tại khu rừng phòng hộ ven biển ở thôn Bắc Hải của xã Thạch Khê (trước đây là xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh), hàng trăm gốc cây phi lao vốn là lớp chắn sóng, chắn gió ven biển đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc. Cây sau khi bị chặt được phân thành từng khúc, chất thành từng đống. Những thân gỗ lớn được người dân phân loại và tập kết về một địa điểm để vận chuyển đi. Điều đáng nói, quá trình khai thác diễn ra công khai giữa ban ngày.
Người dân đang bốc dỡ, tập kết các thân gỗ để vận chuyển đi.
Một thương lái đang thu mua gỗ cây phi lao tại đây cho hay: Những diện tích rừng phòng hộ ven biển này được người dân tại địa phương bán khoán. Tôi mua phi lao của người dân tính theo cây. Ở đây phải hơn 200 cây nên tôi mua khoán 35 triệu đồng. Sau khi thanh toán tiền cho người dân thì tôi thuê người đến bốc dỡ, sau đó vận chuyển đi Thanh Hóa bán để làm than”.
Số lượng gỗ lớn được chất thành từng đống tại ven đường.
Không chỉ tại địa điểm này mà cách đó khoảng 300m, hơn 500m2 rừng phòng hộ ven biển khác cũng đã bị chặt hạ. Đây hầu hết là những cây phi lao trên hàng chục năm tuổi, nhiều cây có đường kính từ 20 - 35cm.
Hơn 500m2 rừng phòng hộ ven biển khác tại xã Thạch Khê cũng bị đốn hạ cách đây không lâu.
Tại hiện trường, các thân gỗ đã bị vận chuyển đi chỉ còn trơ gốc, nhựa cây vẫn còn tươi cho thấy cây vừa bị chặt cách đây không lâu. Bà Trần Thị Tặng (thôn Bắc Hải, xã Thạch Khê) cho biết: “Những cây phi lao này đã trồng ở đây khoảng những năm đầu 1990 đến nay. Giờ cây to thì người dân có quyền bán. Phi lao thì giá đắt hơn 200 nghìn đồng/cây, bạch đàn bán 100 - 150 nghìn đồng/cây. Đất này trước cha ông cũng trồng cây nên con cháu sau này cũng cứ ra đây để trồng thôi”.
Bà Trần Thị Tặng cho biết, cây phi lao ở đây đã có tuổi đời hàng chục năm.
Ông Trần Văn Trí (thôn Bắc Hải, xã Thạch Khê) - một người dân sinh sống gần địa điểm này - cho biết thêm: “Đất ở đây mỗi người chiếm mỗi miếng, rồi trồng phi lao; chăm sóc cây to lên thì dân bán xong lại trồng tiếp. Như ở diện tích cây phi lao này, tôi thấy họ vừa bán được ít ngày”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tự ý khai thác các diện tích rừng phòng hộ ven biển tại xã Thạch Khê không phải là chuyện xưa nay hiếm. Hiện xã Thạch Khê có diện tích rừng phòng hộ trải dài dọc theo 9km đường bờ biển do UBND xã quản lý. Nghịch lý là trên những diện tích này, hầu hết là những cây phi lao do người dân trồng cách đây khoảng hơn 20 năm, trước khi quy hoạch là rừng phòng hộ ven biển. Do yếu tố lịch sử để lại đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong việc quản lý cũng như xử lý những sai phạm này.
Vết tích còn sót lại là những gốc cây trơ trọi.
Trao đổi với ông Dương Đình Toán - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hải (TP Hà Tĩnh cũ) nay là xã Thạch Khê, được biết, theo quy định thì những diện tích thuộc rừng phòng hộ ven biển không được phép khai thác nếu không có giấy chứng nhận của cấp có thẩm quyền hoặc không được giao đất. Tuy nhiên, từ trước đến nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển này do người dân bỏ vốn để trồng cây và chăm sóc, bảo quản nên chính quyền địa phương chưa biết xử lý như thế nào cho đúng quy định của pháp luật...”.
Việc đốn hạ diện tích rừng phòng hộ ven biển được thực hiện công khai.
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết thêm: Căn cứ quy định về khai thác rừng phòng hộ thì chủ rừng phải xây dựng phương án khai thác trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; yêu cầu chủ rừng hoặc chủ lâm sản phải sở hữu hợp pháp, được pháp luật thừa nhận, trong khi đó tại diện tích rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê, đất thì do UBND xã quản lý, rừng do người dân tự bỏ vốn trồng. Mặt khác, quy định về quy mô diện tích khai thác rừng phòng hộ chiều rộng băng không quá 30m; khai thác trắng theo đám thì diện tích đám không quá 3ha, trong khi người dân trồng rừng muốn khai thác trắng toàn bộ diện tích cây đã trồng. Như vậy, đối chiếu với quy định là sai nhưng để xử lý lại rất khó khăn.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xử lý một số trường hợp tự ý chặt phá rừng phòng hộ ven biển, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng này vẫn là bài toán khó...
Video: Rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê bị "xà xẻo".
Thanh Quý - Thành Trọng
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/xe-thit-rung-phong-ho-ven-bien-ha-tinh-post290914.html