Từ năm học 2023-2024, việc đánh giá, xếp loại viên chức căn cứ theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và Văn bản hợp nhất số 3/VBHN-BNV ngày 03/8/2023 của Bộ Nội vụ.
Nguyên nhân chính khiến giáo viên khó được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm học, theo người viết, là do thầy cô giáo bị khống chế tỉ lệ theo các quy định hiện hành và sự đánh giá chưa được chính xác của không ít trường mầm non, phổ thông công lập.
Thứ nhất, về hành lang pháp lí, tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ căn cứ tại Điều 12 Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
"1. Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 90/2020/NĐ-CP. Trong đó, khoản 1 quy định về chính trị tư tưởng; khoản 2: đạo đức, lối sống; khoản 3: tác phong, lề lối làm việc; khoản 4: ý thức tổ chức kỷ luật.
Về tác phong, lề lối làm việc, điểm a khoản 3 quy định: "Có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ".
Với quy định này, rất hiếm giáo viên đạt được tiêu chí, vì nhiệm vụ chính của thầy cô giáo là giảng dạy và giáo dục học sinh theo sự phân công, chỉ đạo của hiệu trưởng, chịu sự quản lí của phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn.
"2. Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức."
Từ thực tiễn dạy học, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, giáo viên khó đạt "ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức".
Bởi vì, giáo viên dạy lớp có nhiều học sinh yếu thì khả năng cao là sẽ có nhiều em bị kiểm tra lại, ở lại lớp. Tương tự, sẽ có nhiều học sinh bị xếp loại hạnh kiểm ở mức đạt, chưa đạt. Chưa kể, học sinh vi phạm kỉ luật thì giáo viên cũng bị ảnh hưởng theo.
Cùng với đó, Nghị định 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 quy định tỉ lệ được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
“Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng...”.
Dẫn chiếu tại điểm 2.3 khoản 2 Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm do Ban Tổ chức Trung ương ban hành, hướng dẫn cụ thể:
“Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.
Như vậy, tỉ lệ xếp loại viên chức hoàn thành mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ được tối đa 20%.
Bên cạnh đó, khoản 1, khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 3/VBHN-BNV về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức quy định tiêu chí xếp loại chất lượng cán bộ ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
"1. Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này. (Khoản 1: chính trị tư tưởng; khoản 2: đạo đức, lối sống; khoản 3: tác phong, lề lối làm việc; khoản 4: ý thức tổ chức kỷ luật; điểm a khoản 5: liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý).
2. Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao."
Về tiêu chí "bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao" cũng không nhiều giáo viên đạt được vì liên quan đến thành tích cụ thể của thầy cô giáo.
Ví dụ, giáo viên đạt thành tích dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi các cấp; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; giáo viên dạy học sinh giỏi đạt giải; giáo viên hướng dẫn học sinh thi khoa học kĩ thuật đạt giải; giáo viên được nhận bằng khen của Bộ, ban, ngành;...
Thứ hai, bên cạnh hành lang pháp lí thì vẫn còn tình trạng mỗi trường xét tiêu chí giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một kiểu, dẫn đến có giáo viên đạt nhiều thành tích nhưng chỉ được xếp loại mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chẳng hạn, cuối năm học 2023-2024, có hiệu trưởng khoán chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, văn phòng là 20% giáo viên, nhân viên mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ví dụ, tổ Toán có 15 giáo viên thì 3 giáo viên được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổ Giáo dục kinh tế và pháp luật có 5 giáo viên thì 1 giáo viên được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đáng nói, cả 3 giáo viên tổ Toán đều đạt thành tích cao, còn 1 giáo viên tổ Giáo dục kinh tế và pháp luật đạt thành tích thấp hơn nhiều nhưng vẫn được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi tổ trưởng chuyên môn họp xếp loại viên chức thì tổ thì danh sách được gửi lên Hội đồng thi đua khen thưởng và kỉ luật cấp trường. Hiệu trưởng căn cứ đủ chỉ tiêu 20% thì thông qua danh sách, khiến nhiều giáo viên không phục với quy trình làm việc như thế này.
Đó cũng là lí do có nhiều giáo viên ở các tổ chuyên môn khác đạt thành tích cao hơn giáo viên tổ Giáo dục kinh tế và pháp luật - như đã dẫn - nhưng vẫn không được xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì quá tỉ lệ cho phép.
Người viết cho rằng, để đánh giá giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm được công tâm, minh bạch thì Hội đồng thi đua khen thưởng và kỉ luật cấp trường cần xây dựng được bộ tiêu chí rõ ràng, khoa học, dễ thực hiện.
Căn cứ vào bộ tiêu chí, giáo viên, nhân viên cần được đánh giá hàng tháng, hàng quý, sau đó tổng hợp mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm học theo các mức: không hoàn thành nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để giáo viên không còn "tâm tư", hụt hẫng khi trường học công bố kết quả xếp loại viên chức cuối năm thì rất cần cái tầm, cái tâm của hiệu trưởng và các thành viên trong Hội đồng thi đua khen thưởng, kỉ luật cấp trường trong việc xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá.
Người viết không đồng tình có hiệu trưởng khoán chỉ tiêu 20% xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về cho từng tổ chuyên môn, tổ văn phòng. Việc làm này là chưa đúng và phần nào đẩy cái khó về cho tổ trưởng chuyên môn.
Hiệu trưởng cần lắng nghe tiếng nói của giáo viên và học theo những cách làm hay của trường bạn thì việc đánh giá viên chức cuối năm sẽ chính xác, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-90-2020-ND-CP-danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-450113.aspx
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-48-2023-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-90-2020-ND-CP-danh-gia-chat-luong-can-bo-cong-chuc-572720.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-3-VBHN-BNV-2023-Nghi-dinh-danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-575271.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ánh Dương