Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là một cú sốc lớn, nhưng theo các DN không phải là dấu chấm hết. Khi có đến 180 quốc gia chịu chung đợt áp thuế này, xu hướng chung sẽ là sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác thương mại song phương và đa phương, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường mới.
Là DN chuyên xuất khẩu trái cây tại các thị trường khó tính như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho rằng, cần làm việc rõ với phía Mỹ về mặt hàng nào thặng dư thương mại.
Ông Tùng cho rằng, mức thuế 46% được ông Trump tính dựa trên thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa có trị giá 119,5 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Nhìn vào tỉ lệ xuất siêu đó của Việt Nam mà ông Trump nói rằng “nhân nhượng” khi chỉ đánh mức thuế 46%.
Song cũng theo ông Tùng, hiện nay vẫn còn mơ hồ mức thuế này đánh cụ thể vào mặt hàng nào, trong đó mặt hàng rau quả không biết mức thuế là bao nhiêu.
“Riêng với mặt hàng rau quả, hiện Mỹ đang xuất siêu vào Việt Nam, do đó Mỹ đang có lợi. Được biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Mỹ năm 2024 chỉ 360,41 triệu USD. Ngoài ra có hạt điều đạt giá trị 1,15 tỷ USD, cà phê 322,83 triệu USD, hàng thủy sản 1,83 tỷ USD” – ông Tùng nói và nêu ví dụ.
Trước thực tế trên, đại diện Tập đoàn Vina T&T bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng làm việc với Chính phủ Mỹ để làm rõ mặt hàng nào là thặng dư thương mại, mặt hàng nào Mỹ đang được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng, chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra, có thể là muốn mời tất cả cùng ngồi vào bàn đàm phán. “Họ cần có cái gì đó để “ép” các nước phải đàm phán để họ có thể thực hiện chiến lược “Nước Mỹ là số 1”, chứ không phải là các Hiệp định thương mại tự do nữa. Nước Mỹ muốn các nước tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ chứ không phải đánh thuế để “triệt tiêu”. Bởi người cuối cùng bị thiệt hại, chính là người tiêu dùng Mỹ” – ông Tùng nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông Tùng, Mỹ đang muốn tìm cách “chặn đứng” các dấu hiệu cho rằng Việt Nam, hay Campuchia, Thái Lan sẽ trở thành sân sau của Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp “né thuế”. Vì vậy, chúng ta cần phải chứng minh rằng Việt Nam là đối tác đáng tin cậy, nhờ vào tình cảm, sự ủng hộ để ngồi vào đàm phán thay vì những con số cứng nhắc cũng như là chuyện cân bằng cán cân thương mại.
Nói về các biện pháp ứng phó, đại diện Tập đoàn Vina T&T cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận xuống để bù vào thuế để thị trường không bị sốc, ví dụ đang lời 15% thì mình sẽ lấy lợi nhuận để bù vào thuế, giúp khách hàng không quá sốc; đồng thời chuyển hướng tìm những thị trường mới.
Theo ông Tùng các mặt hàng bị áp thuế cao mà Mỹ muốn hướng đến, chủ yếu là hàng liên quan an ninh, năng lượng tái tạo, công nghệ, thiết bị bán dẫn, hàng điện tử… Còn, với những mặt hàng thiết yếu như lương thực – thực phẩm, người tiêu dùng phải ăn để sống thì có thể lạc quan hơn, hi vọng Mỹ sẽ áp mức thuế phù hợp. “Nói chung cần phải tùy cơ ứng biến, xem bước tiếp theo của ông Trump là gì” – vị đại diện DN nói.
Cũng là một DN xuất khẩu nông sản tại thị trường Mỹ, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh cho rằng, chính sách thuế mới này bị ảnh hưởng trước hết là may mặc, gia dụng, đồ gỗ, thủy sản, năng lượng, thiết bị máy móc… Còn với các sản phẩm nông sản như hồ tiêu thì DN vẫn đang xuất khẩu vào Mỹ bình thường.
“Nhiều người đặt câu hỏi nên làm gì, nhưng theo tôi lúc này DN chưa thể làm gì được vì mình không quyết định được những điều đó. Tối qua chúng tôi vẫn chốt đơn hàng bán mấy trăm tấn tiêu đi Mỹ. Chúng tôi vẫn nhận được đủ tiền và quan trọng là đến thời điểm này, khách mua hàng bên Mỹ của Phúc Sinh chưa hề có bất cứ phản hồi nào” – đại diện DN thông tin.
Trên thực tế, theo ông Phan Minh Thông, nước Mỹ không sản xuất được hạt tiêu và cũng không có nhiều tiêu để làm, cho nên họ muốn ăn thì sẽ phải chấp nhận giá cao bởi họ là người chịu thuế.
“Tôi cho rằng, cuộc sống luôn phải đối mặt với khó khăn và chúng ta cần tìm cách xử lý, vượt qua khó khăn đó. Chúng ta không có nhiều sự lựa chọn, lo lắng cũng không giải quyết được gì. Thay vì lo lắng, hãy bằng mọi cách tìm đơn hàng, hãy tỏa đi khắp nơi tìm thị trường. Năm 2024, chúng tôi xuất khẩu tổng cộng 30 tấn tiêu đi 102 thị trường, trong đó không chỉ có Mỹ là thị trường lớn mà cả Brazil, châu Âu và nhiều thị trường khác…” Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh nói.
Về việc đề xuất chính sách, ông Phan Minh Thông cho rằng, hơn lúc nào hết, chúng ta phải chủ động lên tiếng, đàm phán cũng như cách mà các chính quyền Mexico, Canada… đã đàm phán với Mỹ thời gian qua. Chúng ta không thể “ngồi im” để họ đánh thuế lên các mặt hàng thiết yếu.
Còn theo nhìn nhận của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đối với mức thuế quan mới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Do đó, ông cho rằng cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường cụ thể cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có các hướng tiếp cận thị trường mới.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tự điều chỉnh, bao gồm tối ưu hóa chi phí sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.
Theo ông Thành, một trong những hướng đi quan trọng là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như công nghệ cao, sản xuất thông minh và các lĩnh vực có thể xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ và Trung Quốc. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Hồng Hương