Xuất khẩu thanh long, hồ tiêu lao đao vì không có cơ quan ký giấy chứng nhận

Xuất khẩu thanh long, hồ tiêu lao đao vì không có cơ quan ký giấy chứng nhận
10 giờ trướcBài gốc
Vừa thiệt hại về đơn hàng, vừa bị mất lòng tin
Trao đổi với PV VietNamNet sáng 21/7, ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận, cho biết, hoạt động xuất khẩu thanh long trên địa bàn đang bị đình trệ nghiêm trọng. Tình trạng ùn ứ kéo dài hơn 20 ngày đã khiến khoảng 100 tấn thanh long bị hư hỏng, trong khi lượng hàng tồn kho vẫn còn từ 50-70 tấn.
Theo ông Cảnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do không có cơ quan Nhà nước nào ký Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Đối với các lô hàng xuất khẩu sang châu Âu, phần lớn doanh nghiệp thực hiện kiểm tra tại TPHCM, đồng nghĩa cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận trên là Sở An toàn thực phẩm TPHCM.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, Thông tư 12/2025/TT-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ký ngày 19/6 và có hiệu lực từ ngày 1/7 (11 ngày sau khi ký) đã chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc bộ về UBND cấp tỉnh.
Giấy chứng nhận này là bắt buộc để chứng minh lô hàng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của nước nhập khẩu.
Một số mặt hàng xuất khẩu, trong đó có thanh long, không thể xuất khẩu vì thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: Phạm Công
Thông tư nêu rõ, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn được Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao giải quyết thủ tục hành chính phải kiểm tra hồ sơ lô hàng.
Trong 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành thông báo kết quả kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đánh giá, việc chuyển quyền chứng nhận từ cơ quan của bộ về sở đang khiến quy trình này bị ùn tắc. Bởi, trước đây, các doanh nghiệp vốn quen làm việc với các chi cục kiểm dịch thực vật vùng - nơi phụ trách cấp giấy.
“Các doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên có mặt ở Sở An toàn thực phẩm TPHCM và chờ đợi từ ngày 1/7 đến nay. Nhưng đây là lần đầu tiên cấp sở thực hiện thủ tục này nên còn vướng mắc. Các doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép tạm thời xuất khẩu thanh long trước khi có quy trình chính thức”, vị này chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Cảnh, trục trặc quy trình chứng nhận không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, hợp tác xã và hộ nông dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu mặt hàng nông sản.
“Tình trạng này đã được kiến nghị bằng văn bản lên UBND tỉnh Lâm Đồng (sau sáp nhập) từ ngày 15/7, nhưng vẫn chưa rõ hướng giải quyết”, ông Cảnh nói và cho biết, do phải chờ cả tháng, khách hàng từ châu Âu đã gửi thư thông báo sẽ cắt đơn hàng từ Việt Nam. Họ chuyển qua mua thanh long từ Thái Lan, Ecuador.
Ông Cảnh cho rằng, thiệt hại bằng tiền không quan trọng bằng thiệt hại về lòng tin. Nông dân thấy doanh nghiệp ngừng thu mua nên dừng sản xuất. Khách cũng không có lòng tin để mua hàng vì mãi không thấy hàng đâu.
Xuất khẩu hồ tiêu cũng 'chịu trận'
Không chỉ có thanh long, nguồn tin của VietNamNet cho hay, 2 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cũng đang bị tồn kho lượng hàng có giá trị khoảng 2,4 triệu USD và không thể xuất khẩu, cũng với nguyên nhân tương tự.
Cấp tỉnh/thành chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp là TPHCM và Đồng Nai.
Trước đó, VPSA đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan đến những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng gia vị.
Theo VPSA, từ ngày 1/7, việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định. Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44 năm 2018 của Bộ NN-PTNT (cũ), dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận.
Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc xin cấp Giấy chứng nhận đúng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU. Hậu quả là việc xuất khẩu bị đình trệ, dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng, mất uy tín với các đối tác quốc tế và ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm.
Trước tình hình trên, VPSA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp có thể thông quan hàng hóa, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12 để đảm bảo việc cấp Giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Sở An toàn thực phẩm báo cáo gì?
Liên quan đến vấn đề trên, trong văn bản kiến nghị khẩn gửi Bộ NN&MT, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết đã nhận được công văn 2121/TTTV-ATTPMT ngày 11/7/2025 của Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật về việc kiểm tra ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Song, Sở An toàn thực phẩm kiến nghị Bộ NN&MT cần có hướng dẫn đối với mục II thông tin sản phẩm tại Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể về ngôn ngữ thể hiện tại Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu và Thông báo kết quả kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu là tiếng Việt hoặc tiếng Anh hay vừa tiếng Việt và tiếng Anh để có cơ sở hướng dẫn và cấp kết quả thủ tục hành chính phù hợp quy định.
Sở An toàn thực phẩm cũng chỉ rõ, thực hiện thủ tục hành chính Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12.
Song, theo Điều 24 Thông tư số 12 và Quyết định số 2286 của Bộ NN&MT không quy định, hướng dẫn thành phần hồ sơ nộp đăng ký thủ tục và kết quả giải quyết thủ tục, mà chỉ quy định là cấp Thông báo kết quả kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu mà không quy định, hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu nước nhập khẩu (Giấy chứng nhận theo yêu cầu EU).
Do đó, Sở An toàn thực phẩm không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Ngoài ra, tại công văn số 2121 của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận theo yêu cầu của EU căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật An toàn thực phẩm. Thế nhưng, tại Luật An toàn thực phẩm lại giao Bộ NN&MT quy định hồ sơ, thủ tục cấp các loại giấy chứng nhận. Đến nay, Bộ NN&MT chưa có hướng dẫn đối với trường hợp này.
Về kết quả thủ tục hành chính, Sở An toàn thực phẩm cũng dẫn quy định của Thông tư số 12 và Quyết định số 2286 chỉ quy định là Thông báo kết quả kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, không có quy định “theo yêu cầu của nước nhập khẩu” như quy định trước đó tại Thông tư 44 ngày 28/12/2018 của Bộ NN&MT.
Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, đậu bắp, ớt qua thị trường châu Âu và việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu đúng quy định, Sở An toàn thực phẩm TPHCM kiến nghị Bộ NN&MT sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu nước nhập khẩu (Giấy chứng nhận theo yêu cầu EU). Từ đó, Sở An toàn thực phẩm TPHCM có căn cứ pháp lý thực hiện.
Trong thời gian chờ Bộ NN&MT ban hành quy định thành phần hồ sơ và hướng dẫn chi tiết cho việc cấp Giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu nước nhập khẩu, Sở An toàn thực phẩm sẽ thực hiện thủ tục Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số 12 và Quyết định số 2286 của Bộ NN&MT.
Trần Chung
Tâm An
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/xuat-khau-thanh-long-ho-tieu-lao-dao-vi-khong-co-co-quan-ky-giay-chung-nhan-2424079.html