Yên Bái tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

Yên Bái tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
5 giờ trướcBài gốc
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình.
Sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện duy trì 52 trường công lập (22 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 22 trường TH&THCS, 3 trường THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS), 7 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Các đơn vị trường học trên địa bàn huyện được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi theo hướng chuẩn hóa và đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 98,3%, không còn phòng học xuống cấp, phòng học tạm. Ngoài ra, hằng trăm ngày công lao động do các bậc phụ huynh cùng chung tay sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các đơn vị trường, lớp học đảm an toàn khi học sinh đến trường.
Nhờ những nỗ lực tìm kiếm và triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện, đến tháng 12/2023, 100% trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia; trong đó, 13 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tăng 11 trường so với năm học 2020 - 2021, góp phần đưa 22/22 xã đạt chuẩn NTM, (trong đó 7/22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1/22 xã đạt NTM kiểu mẫu).
Nhờ đó, khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng khó khăn và các vùng thuận lợi dần được thu hẹp; giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của huyện được nâng lên rõ rệt; số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS đạt trên 99,8%; tỷ lệ học sinh được phân luồng học nghề hằng năm đạt 100% kế hoạch giao; 24/24 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 2, trong đó có 22/24 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn về PCGD THCS mức độ 3. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện duy trì đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 2. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được sắp xếp hợp lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên là 95%.
Một trong những giải pháp quan trọng là huy động sự đóng góp của cộng đồng, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Huyện có nhiều chương trình gây quỹ, kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân để đầu tư xây dựng các phòng học, thư viện và các khu vui chơi cho học sinh. Thực hiện các dự án đầu tư, huyện đã cho xây dựng mới và nâng cấp nhiều trường học. Trong đó, nhiều trường đã được xây dựng mới với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và phát triển.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, đồng thời khuyến khích giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ, đổi mới sáng tạo. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh mà còn tạo dựng niềm tin vững chắc trong phụ huynh.
Chị Trần Thị Lan, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Yên Bình chia sẻ: "Tôi rất vui khi thấy trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên nhiệt tình và có trình độ. Điều này giúp tôi yên tâm hơn về việc học của con”.
Việc tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục không chỉ cải thiện chất lượng học tập mà còn tạo dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân. Huyện Yên Bình đang hướng tới mục tiêu cao hơn, đó là mỗi học sinh đều có cơ hội học tập trong một môi trường tốt nhất, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn.
Năm học 2023 - 2024, số phòng học, phòng học bộ môn, phòng hành chính quản trị, nhà đa năng được xây mới đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu học tập của các đơn vị trường, cụ thể: cấp mầm non là 11 phòng học, 7 phòng học giáo dục nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, tin học; cấp tiểu học là 32 phòng học, 16 phòng bộ môn, 5 phòng hỗ trợ học tập, 1 nhà đa năng; cấp THCS là 10 phòng học, 22 phòng học bộ môn, 9 phòng hỗ trợ học tập, 9 nhà đa năng. Tổng kinh phí đầu tư 169,4 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa tư các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trên 10 tỷ đồng, đạt gần 6%.
Minh Tư
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/45/330294/yen-bai-tap-trung-nguon-luc-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia.aspx