Từ đỉnh thiêng Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng dòng thiền thuần Việt, đến cổ tự Vĩnh Nghiêm, trụ sở của Thiền phái Trúc Lâm, nơi đào tạo tăng ni đầu tiên của Việt Nam với kho mộc bản độc nhất vô nhị, rồi Côn Sơn - Kiếp Bạc, vùng đất của những vĩ nhân hội tụ cả tâm, tài, trí, đức. Mỗi địa danh là chứng tích của thời gian, là biểu tượng sống động cho bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc và khát vọng hòa hợp giữa con người, thiên nhiên, vũ trụ.
Không chỉ là trung tâm Phật giáo Trúc Lâm, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm -Côn Sơn, Kiếp Bạc còn hội tụ những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, tâm linh, lịch sử và cảnh quan. Việc được UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới là niềm tự hào và mở ra cơ hội mới trong gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản.
Loạt phóng sự “Hành trình mới của Di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” với 5 kỳ tái hiện lại hành trình di sản ấy – qua góc nhìn người trong cuộc, qua cảm nhận của du khách, qua đánh giá của chuyên gia quốc tế để thấy rằng, mỗi viên gạch, mỗi pho tượng, mỗi tấm mộc bản... đều đang thì thầm với thời đại những giá trị bền vững và sống mãi.
Vườn tháp Huệ Quang tại Di tích chùa Hoa Yên - di tích có ý nghĩa trung tâm của Quần thể Yên Tử
Tiếng chuông chùa ngân vang trong sương sớm, bước chân hành hương hòa với tiếng thông reo... Trải qua hàng thế kỷ, Yên Tử không chỉ là đất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm mà còn là minh chứng sống động cho sự giao hòa giữa đạo và đời, giữa con người và thiên nhiên.
Vẫn còn đó những con đường băng dưới tán rừng thông và cây xích tùng trên dưới 700 tuổi; những ngôi chùa cổ kính như Chùa Lân, Giải oan, Hoa Yên, Một Mái, …nơi đặt dấu chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong hành trình tu hành và khai sáng Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm tinh thần nhập thế.
Một vài du khách khi đến với Yên Tử đã không giấu nổi cảm xúc: “Tôi đã 82 tuổi và lần đầu tiên lên đây thấy khu vực này thật kỳ vĩ, hoành tráng. Từ lâu tôi đã nghe tới di tích quốc gia này mang tính của Phật giáo, tâm linh của người Việt Nam. Đây là nơi có thể mang lại sự bình an trong tâm tưởng cho rất nhiều người Việt”; “Đây là lần đầu tiên mình đến Yên Tử bằng cách đi bộ, không dùng cáp treo. Có thể thấy đây là một trong những nơi đẹp nhất mình từng đi, cảnh đẹp tuyệt vời, rất linh thiêng”.
Với độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, Yên Tử không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ninh mà còn là trung tâm Phật giáo lớn bậc nhất của Việt Nam. Sử kể rằng, sau 2 lần đánh bại giặc Nguyên - Mông, năm 1299, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên Yên Tử tu hành. Tại đây, ông chắt lọc, kế thừa tinh hoa của các Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường để khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền mang bản sắc riêng của người Việt.
Khác với tinh thần “xuất thế” thường thấy, Trúc Lâm Thiền phái mang tư tưởng “nhập thế” tích cực. Đó là sự gắn bó chặt chẽ giữa Đạo với Đời, Đời với Đạo, Đạo phải sống giữa Đời, Đạo phải gần dân, giúp dân, đem giáo lý nhà Phật gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên tuyến đường hành hương quen thuộc lên đỉnh Yên Tử 1.068 mét
Tuyên ngôn nhập thế của Phật Hoàng Trần Nhân Tông được thể hiện rõ trong tác phẩm kinh điển “Cư trần lạc đạo phú” của Ngài, rằng “Dựng cầu đò, dồi chiền tháp/Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu”, nghĩa là Đời và Đạo luôn hòa quện với nhau, xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho con người nơi trần thế bằng những việc làm thiết thục mới là mục tiêu tối tượng của cả Đạo và Đời. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Phật hoàng là minh chứng sống động cho ý chí hiện thực hóa lý tưởng đó.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Phật giáo Trúc Lâm gọi là nền Phật giáo nhập thế, hay còn gọi là Cư trần Lạc đạo - nghĩa ở đời vui với đạo, hay còn gọi từ khác là hòa quang đồng trần.
“Hòa ánh sáng trí tuệ chính trong cuộc đời bụi bặm này, Đạo Phật chỉ tỏa hương thơm ngát khi đi vào lòng dân để làm đẹp cho cuộc sống của nhân dân. Mọi người phải ý tứ vào giáo lý của Phật dạy, sống tốt đời, đẹp đạo, vươn lên trong cuộc đời này. Cao hơn nữa là mang lại lợi ích cho cả dân tộc, cộng đồng xã hội này. Đấy đích thị là giá trị nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm”, theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển.
Với tư tưởng nhập thế tích cực, Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng như nhiều vị Vua, Hoàng tộc và cư sỹ thời Trần ngày thường chăm chỉ tu tập, nhưng khi đất nước có ngoại xâm lại sẵn sàng mặc giáp, lên ngựa xung trận bảo vệ bờ cõi. Không chỉ là cuộc chiến gươm đao để phân thắng bại mà các vị vua, hoàng tộc, cư sỹ, tăng ni và đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông, bằng sự nhân văn, bao dung của nhà Phật luôn nỗ lực trong việc hóa giải mâu thuẫn, góp phần giữ hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.
“Chúng ta không ngạc nhiên tại sao Phật hoàng lại chọn Yên Tử. Ngài từ bỏ ngai vàng, giao cho thế hệ kế tục để lên núi cao với tầm nhìn rộng. Tuy tu hành nhưng Ngài vẫn hướng tới trách nhiệm với quốc gia dân tộc và cộng đồng. Ngài coi tất cả là một, là sứ mệnh thiêng liêng của mình, vì thế Yên Tử là một vùng đất thiêng, mọi sự nhìn nhận của Ngài đều đặt lợi ích quốc gia dân tộc và đạo Phật của mình lên cao nhất”, Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhận định.
Việc UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn đặt ra yêu cầu bảo tồn đi đôi với phát huy. Với Yên Tử, điều ấy đã và đang được hiện thực hóa bằng chính sự kết hợp giữa bảo tồn bền vững, khai thác có trách nhiệm và lan tỏa giá trị văn hóa đặc hữu của Phật giáo Trúc Lâm đến bạn bè quốc tế và hơn 700 năm sau, tinh thần ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Tái hiện hình ảnh Đức vua Trần Nhân Tông "cởi hoàng bào khoác áo cà sa" tại Lễ hội Xuân Yên Tử
Nhưng Yên Tử không ngủ yên trong di sản. Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh và các địa phương đã không ngừng đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Không gian văn hóa Trúc Lâm được tái hiện bằng những chương trình nghệ thuật thực cảnh; tuyến cáp treo được nâng cấp, số hóa di sản được thúc đẩy mạnh mẽ. Làng hành hương, hệ thống lưu trú, sản phẩm du lịch tâm linh, trải nghiệm Phật giáo cũng được hình thành để Yên Tử vừa giữ được hồn xưa vừa hội nhập thời...
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đánh giá, Phật hoàng Trần Nhân Tông là người thống nhất các thiền phái khác nhau thành thiền phái Trúc Lâm, tạo ra bệ đỡ tư tưởng cho triều đình cũng như toàn đất nước.
Phật giáo muốn lan truyền tư tưởng hòa đồng nhân ái, cứu độ chúng sinh và sự thống nhất này có chữ dũng, chất anh hùng, giúp cho giá trị đạo đức được củng cố và phát triển tư tưởng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Phật giáo Trúc Lâm làm được điều đó.
Vùng đất Yên Tử mang nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của một giai đoạn đặc sắc trong lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Phát huy giá trị di sản không chỉ để mời đón khách du lịch mà quan trọng hơn là đánh thức niềm tự hào, nuôi dưỡng bản sắc để chúng ta có thêm động lực gìn giữ và lan tỏa hồn cốt non thiêng cũng những giá trị tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm giữa dòng chảy hiện đại.
Tiến Cường/VOV-Đông Bắc