Di truyền là hiện tượng các đặc điểm của sinh vật được truyền từ cha mẹ sang con cái thông qua gen. Ví dụ, một số bệnh do đột biến gen gây bệnh rõ ràng sẽ khiến những người mang kiểu gen đó chắc chắn biểu hiện triệu chứng hoặc mắc bệnh.
Tính dễ mắc bệnh do di truyền (di truyền dễ cảm) là hiện tượng một cá nhân do mang một số biến dị gen nhất định mà có nguy cơ cao hơn mắc một số bệnh, nhưng không nhất thiết sẽ phát bệnh. Việc bệnh có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường, lối sống và các yếu tố khác.
Nếu có thể can thiệp sớm, chú ý điều chỉnh lối sống, có thể phòng ngừa hoặc làm chậm quá trình phát bệnh.
Ảnh minh họa
Tăng huyết áp
Theo Báo cáo tình trạng dinh dưỡng và bệnh mãn tính của cư dân Trung Quốc (2020), số người mắc tăng huyết áp trên 18 tuổi ở Trung Quốc đã gần 300 triệu người (tỷ lệ mắc bệnh là 27,5%).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê rằng khoảng 54% số ca tử vong do đột quỵ và 47% số ca tử vong do bệnh tim mạch vành trên toàn cầu có nguyên nhân từ tăng huyết áp.
Từ dữ liệu lâm sàng cho thấy, khoảng 50% người trung niên hoặc thanh niên mắc tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng, điều này khiến nhiều người bỏ qua vấn đề huyết áp.
Nghiên cứu cho thấy, tính di truyền của tăng huyết áp vào khoảng 30 - 50%. Nếu một trong hai cha mẹ mắc tăng huyết áp, nguy cơ con cái mắc bệnh tăng thêm 20 - 30%; nếu cả hai cha mẹ đều mắc bệnh, nguy cơ tăng lên 50 - 60%.
Điều này có nghĩa là nếu cha mẹ mắc bệnh, bạn cần hết sức cảnh giác, ngay cả khi không có triệu chứng cũng nên kiểm tra huyết áp định kỳ.
Tăng huyết áp là bệnh đa yếu tố, do tác động kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Ít vận động, ngồi lâu, béo phì; tiêu thụ quá nhiều chất béo, đường, muối... đều là yếu tố nguy cơ cao.
Tiểu đường
Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành Trung Quốc là khoảng 11 - 12%, tương đương khoảng 120 triệu bệnh nhân.
Nguyên nhân của tiểu đường rất phức tạp. Nếu cả cha lẫn mẹ đều mắc tiểu đường, nguy cơ con cái mắc bệnh tăng khoảng 50%; nếu chỉ mẹ mắc bệnh, nguy cơ tăng khoảng 30%; nếu chỉ cha mắc bệnh, nguy cơ tăng khoảng 20%. Có thể thấy, di truyền có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường.
Nếu gia đình có tiền sử tiểu đường, cần chú ý hơn đến lối sống. Chế độ ăn nhiều chất béo, đường, ít vận động, áp lực công việc cao, giấc ngủ kém... đều là các yếu tố nguy cơ cao.
Bệnh mạch vành tim
Bệnh mạch vành hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ do xơ vữa động mạch vành.
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh mạch vành. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ở độ tuổi sớm (nam trước 55 tuổi, nữ trước 65 tuổi), thì thế hệ sau cần đặc biệt đề phòng và chủ động phòng ngừa.
Nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng dần theo độ tuổi. Để phòng bệnh, cần duy trì lối sống lành mạnh như giữ tinh thần ổn định, tập thể dục điều độ, ăn uống hợp lý, không hút thuốc, không uống rượu, kiểm soát cân nặng tốt.
Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer phổ biến ở người già, tỷ lệ mắc tăng theo cấp số nhân theo độ tuổi. Người trên 65 tuổi có tỷ lệ mắc khoảng 5%, trên 85 tuổi có thể lên tới 25%, trên 90 tuổi thậm chí còn cao hơn.
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt là khi phát bệnh trước 65 tuổi nên làm xét nghiệm gen. Nếu kết quả dương tính thì nguy cơ mắc bệnh trong gia đình sẽ tăng cao.
Béo phì
Chúng ta thường thấy cả mẹ và con đều béo, đó là do yếu tố di truyền. Hiện nay, y học vẫn chưa có cách can thiệp trực tiếp vào gen, vì liệu pháp gen chưa phát triển tới mức đó. Vì vậy, chỉ có thể chú ý đến chế độ ăn uống và lối sống để kiểm soát cân nặng.
Cận thị
Theo thống kê, tỷ lệ mắc cận thị nặng trên thế giới vào khoảng 4,2 - 21%, trong đó Trung Quốc đứng đầu về tỷ lệ mắc bệnh. Đặc biệt là ở thanh thiếu niên, tỷ lệ mắc dao động từ 6,68 - 38,4% và đang tăng lên từng năm.
Cận thị nặng là khi độ cận trên 600 độ, thuộc dạng bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường. Nếu cả cha mẹ đều bị cận thị nặng, nguy cơ con cái mắc bệnh có thể lên tới 98%;
Nếu một trong hai người bị cận nặng, người còn lại mang gen bệnh, nguy cơ là khoảng 57,5%;
Nếu cả hai đều không bị cận nặng, nhưng đều mang gen lặn, thì con cái vẫn có 21% - 22% nguy cơ mắc bệnh.
Về môi trường, ngồi sai tư thế, ánh sáng yếu, môi trường rung lắc, đọc sách ở cự ly quá gần, thiếu ngủ, dinh dưỡng kém... đều là những thói quen xấu ảnh hưởng đến mắt và thúc đẩy quá trình cận thị tiến triển.
T. Linh (Theo Aboluowang)