Tuyên truyền nhiều nhưng học sinh vẫn phì phèo
Thay vì một tiết chào cờ đơn thuần, tiết sinh hoạt dưới cờ ngày 26/11 tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TPHCM) rộn rã hơn. Các em cùng nhau đóng một tiểu phẩm, nội dung xoay quanh việc một học sinh sử dụng thuốc lá điện tử dẫn đến sa sút việc học, sức khỏe và phải nhập viện điều trị. Trong lúc khó khăn như vậy, học sinh này được bạn cùng lớp và thầy cô thăm hỏi, động viên khiến em nhận ra tác hại của thuốc lá điện tử và tự hứa sẽ không bao giờ tái sử dụng dù chỉ một lần. Sau khi được xem tiểu phẩm, học sinh được chuyên gia y tế cung cấp thêm nhiều thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử. Theo cô Đoàn Thị Thu Hoài, Hiệu trưởng nhà trường, tiểu phẩm được lấy ý tưởng từ những tình huống có thật trong thực tế. Thay vì những tiết học nặng nề, việc tổ chức các buổi ngoại khóa và giáo dục thực hành kỹ năng dễ thu hút học sinh, giúp các em nhanh tiếp thu kiến thức.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. ảnh: như ý
Hình thức tuyên truyền gần gũi kể trên được thực hiện ở rất nhiều trường học khác tại TPHCM. Ông Trần Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình), cho hay, để giáo dục học sinh về tác hại của các chất gây nghiện, ngoài việc nhắc nhở, giáo dục trên lớp, nhà trường còn thường xuyên lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động sân khấu hóa, thi thiết kế poster…
Cai nghiện thuốc lábằng y học cổ truyền
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, thông tin, bằng các phương pháp y học cổ truyền như nhĩ châm, thể châm, xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh, thuốc y học cổ truyền..., nhiều người đã cai nghiện thuốc lá thành công. Khi dùng các phương pháp này, người cai nghiện sẽ giảm cảm giác thèm thuốc, bớt bứt rứt. Viện Y dược học dân tộc TPHCM đã cai nghiện thuốc lá thành công nhiều trường hợp bằng các phương pháp trên.
Công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử được đẩy mạnh nhưng lãnh đạo nhiều trường học tại TPHCM nhìn nhận vẫn còn nhiều học sinh tìm tới làn khói trắng. Bà Hoài cho rằng, tuyên truyền chỉ là một chuyện, vì còn nhiều yếu tố tác động khiến học sinh hút thuốc lá điện tử. “Các em thiếu sự quan tâm từ gia đình, suy nghĩ còn non nớt, chưa đủ nhận thức phân biệt đúng sai, thuốc lá điện tử bày bán tràn lan, dễ dàng tiếp cận…”, bà Hoài nói.
Theo nữ hiệu trưởng, phụ huynh không nên giao hết trách nhiệm cho nhà trường khi học sinh tìm đến các chất gây nghiện để giải tỏa bức bối. Ngược lại, các bậc cha mẹ nên theo sát sự thay đổi tâm sinh lý của con và phối hợp với nhà trường tìm ra phương pháp giáo dục tốt nhất. Ở góc độ các trường, phòng tư vấn tâm lý học đường và các thầy cô giáo đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Khi học sinh được thầy cô, chuyên gia tư vấn, giải tỏa kịp thời mỗi khi gặp căng thẳng hoặc được tham gia các hoạt động ý nghĩa, lành mạnh do Đoàn trường tổ chức, các em sẽ có định hướng đúng đắn và không tìm đến làn khói thuốc”, bà Hoài bày tỏ.
Những sai lầm tai hại của phụ huynh
Thuốc lá điện tử được không ít người trẻ sử dụng. Ảnh: Tử Mạnh
Nói về những suy nghĩ sai lầm của phụ huynh về thuốc lá điện tử, TS.BS Lê Khắc Bảo, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bày tỏ: “Từ những thông điệp quảng cáo mà hãng thuốc lá điện tử đưa ra, nhiều phụ huynh nghĩ rằng loại thuốc lá này ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Có người còn nghĩ thuốc lá điện tử là cứu cánh để người nghiện có thể cai được thuốc lá điếu. Sự thật ẩn đằng sau đó không phải như vậy”.
BS Bảo phân tích, thuốc lá điện tử chứa nicotine nên vẫn có cơ chế gây nghiện. Một người bỏ thuốc lá thông thường chuyển qua thuốc lá điện tử sẽ dễ trở thành con nghiện mới của thuốc lá điện tử, dẫn đến nghiện cả hai loại thuốc lá.
Vị chuyên gia cho rằng, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu cặn kẽ lý do khiến con mình đến với thuốc lá điện tử. Đó có thể là việc đua đòi đu “trend”, học theo thần tượng. "Khi biết được nguyên nhân, phụ huynh cần phân tích cho con hiểu rằng các hãng xây dựng nên hình ảnh giới trẻ hút thuốc lá sành điệu nhưng đằng sau đó ẩn chứa nhiều nguy hại. Cha mẹ có thể hướng dẫn con lựa chọn những giải pháp đu “trend” lành mạnh khác mà vẫn đáp ứng nhu cầu gắn kết công nghệ của trẻ thay vì thuốc lá điện tử", BS Bảo nói.
Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025
Ngày 30/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện quy định này, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo Bộ Y tế, mặc dù không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện do hàm lượng nicotine cao, gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Anh Nhàn