Thương cảm cô bé 12 tuổi sự sống mong manh...
Chia sẻ với báo chí, TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi TW cho biết, ca ghép được thực hiện từ nguồn tạng của một người hiến đã chết não tại BVĐK tỉnh Bình Dương. Thành công của ca ghép thận này là sự phối hợp giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và sự hỗ trợ của nhiều đơn vị có liên quan. Bé gái 12 tuổi bị suy thận mạn 7 năm nay, đã đến giai đoạn cuối và sự sống mong manh 'như ngọn đèn trước gió' bởi cũng từng này thời gian, bé phải điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng.
Thận được các y bác sĩ mang từ Bình Dương về phòng mổ của Bệnh viện Nhi TW.
TS.BS Thu Hương kể, trước đó, tối ngày 18/12/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp hiến tạng từ bệnh nhân chết não tại BVĐK tỉnh Bình Dương.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện, các bác sĩ khoa Thận và Lọc máu đã nhanh chóng liên lạc với người nhận phù hợp, thực hiện các xét nghiệm, các thủ tục theo đúng quy trình. Đồng thời, Ban Giám đốc khẩn trương hội chẩn với BVĐK tỉnh Bình Dương để thống nhất các nội dung chuẩn bị quy trình lấy thận của người hiến tốt nhất
Người hiến thận là một bệnh nhân 47 tuổi, đã được chẩn đoán chết não sau nỗ lực điều trị của đội ngũ y bác sĩ BVĐK tỉnh Bình Dương. Với tấm lòng nhân đạo "cho đi là còn mãi", gia đình người bệnh đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo khác.
"Điều may mắn nhất là chỉ số của người hiến và người nhận có sự phù hợp. Đến lúc này chúng tôi mới có thể chắc chắn ekip của bệnh viện có cơ hội thực hiện ca ghép thận đầu tiên cho bệnh nhi từ người cho chết não, bởi trước đó đã hơn 1 lần chúng tôi 'kích hoạt' mọi thứ từ bệnh nhân, nhân sự, vật tư, thuốc, phòng mổ... nhưng rồi vì nhiều lý do, vẫn chưa thực hiện được ca ghép nào"- TS.BS Thu Hương chia sẻ.
TS Hương cũng chia sẻ thêm, "PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện đã cử một ekip bác sĩ vào Bình Dương ngay sáng sớm ngày 19/12/2024 để tham gia lấy tạng và tiếp nhận thận được hiến. Song song với đó, ekip gây mê, phẫu thuật, các chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, Thận và Lọc máu, Gây mê hồi sức, Hồi sức ngoại, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu, Sinh hóa, Huyết học,…tại bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng phòng mổ, trang thiết bị, thuốc men,… để ca ghép được diễn ra thuận lợi nhất"- TS.BS Thu Hương nói.
Các bác sĩ tiến hành ca ghép thận cho bệnh nhi.
Dưới sự hỗ trợ của BVĐK Bình Dương, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, sự hộ tống của cảnh sát giao thông và sự giúp đỡ của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, quả thận từ người cho đã được vận chuyển trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt và nhanh nhất có thể để đem về Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội.
"Đối với các bệnh nhi suy thận mạn, phương pháp lọc màng bụng chỉ là phương pháp điều trị thay thế có tính chất tạm thời vì hầu hết trẻ sẽ có các biến chứng về tim mạch, huyết áp và thậm chí gây ra tử vong. Trường hợp bệnh nhi này đã gặp các biến chứng biến dạng xương, chân có hình chữ X và có các biểu hiện lắng đọng canxi" – TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu cho' biết.
'Chúng tôi rất hạnh phúc vì đã có thể giúp cháu bé có cơ hội được hồi sinh sự sống'
Để thực hiện ghép thận cho bệnh nhi, ekip đã tiến hành xử lý các mô mỡ, các tổ chức từng mạch máu và sửa lại mạch của thận hiến, sau đó nối tĩnh mạch thận của người cho vào người nhận. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là do quá trình vận chuyển thận từ xa về, vậy nên ekip phẫu thuật phải thực hiện ghép rất khẩn trương, để đảm bảo quả thận được tưới máu sớm nhất có thể.
"Cả một quá trình dài từ khi vào Bình Dương nhận thận hiến đến khi trở về vào ngay phòng mổ để phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhi, tôi không thấy mệt, chỉ thấy rất hạnh phúc vì đã có thể giúp cháu bé có cơ hội được hồi sinh sự sống" - ThS.BS Lê Anh Dũng - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi TW, người trực tiếp tham gia kíp lấy thận và ghép thận cho bệnh nhi chia sẻ.
Bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bệnh nhi.
BS Dũng cho biết thêm, sau hơn 4 giờ tính từ khi lấy thận và quá trình 'đi' từ Bình Dương ra Hà Nội, ca ghép thận đầy căng thẳng đã diễn ra thành công trong sự vui mừng vỡ òa của cả ekip. Đặc biệt, một trong những công tác rất khó khăn nhưng cũng vô cùng quan trọng làm nên thành công của ca ghép thận chính là quá trình chăm sóc hồi sức sau ghép.
Kỹ thuật ghép thận từ người cho sống đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bệnh viện thực hiện ghép thận từ người cho chết não. Quá trình ghép được diễn ra với các quy trình khắt khe, nghiệm ngặt như các ca ghép thận thông thường.
TS.BS Đặng Ánh Dương - Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc ghép thận từ người cho chết não sẽ nguy cơ thải ghép cao gấp nhiều lần so với ghép thận từ người cho sống.
"Vì vậy, chúng tôi đã sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch mạnh và theo dõi vấn đề thải ghép của bệnh nhi sát sao, đảm bảo chức năng thận hoạt động tốt. Ngoài ra, công tác hỗ trợ các chức năng sống, kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng cho bệnh nhi cũng được đảm bảo như thường quy"- TS.BS Đặng Ánh Dương kể lại.
Trong suốt quá trình bé gái nhập viện, ghép thận, điều trị sau ghép... bố bệnh nhi luôn túc trực bên con gái.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của TS Hương, tuần đầu tiên sau ca ghép, sức khỏe của bé gái tiến triển tốt, đến ngày thứ 9, qua theo dõi sát sao, các bác sĩ phát hiện chức năng tiểu của bệnh nhi có dấu hiệu giảm sút, nước tiểu ít, xuất hiện thải ghép qua miễn dịch dịch thể.
"Chúng tôi đã ngay lập tức báo cáo ban giám đốc, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các khoa phòng phối hợp với chúng tôi xử trí tốt nhất cho bệnh nhân. Cô bé đã trải qua 6 lần lọc huyết tương và kết hợp thuốc. Sau 3 ngày hồi sức tích cực, chức năng của thận ghép của trẻ diễn biến tốt ngoài mong đợi, bệnh nhi không còn tình trạng suy thận và được chuyển về khoa Thận và Lọc máu để tiếp tục theo dõi, điều trị. Hiện tại, sức khỏe của trẻ đã hoàn toàn ổn định và được ra viện"- TS.BS Thu Hương nói.
Cô bé 12 tuổi, người nhỏ bé như cô bé 5-6 tuổi, tuy vẫn còn những khiếm khuyết về sức khỏe, chân vẫn đi lại chưa hề dễ dàng. nhưng tương lai tươi sáng đã mở ra sau ca ghép thận đầy trách nhiệm và tình yêu thương của ekip y bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi TW...
Bố của bé cho hay, bé mong muốn được đến trường, tuy nhiên từ khi 5 tuổi - thời điểm phát hiện bệnh cho đến nay, bé chỉ được đến trường ngắm nhìn các bạn cùng trang lứa vui đùa, học tập... "Giờ con khỏe hơn rồi, gia đình tôi sẽ cho con đi học theo nguyện vọng của cháu"- bố bệnh nhân nói, đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn đến các y bác sĩ, đến nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng và các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 500 triệu, chính sách an sinh BHYT... đã giúp con gái bé nhỏ của gia đình anh...
Bệnh nhi và bố cùng chụp ảnh với các y bác sĩ - những người đã hồi sinh sự sống cho em trước giờ ra viện.
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi TW có rất nhiều bệnh nhi chờ ghép thận. Trước đó, tại bệnh viện này chỉ thực hiện ghép từ người cho sống cùng huyết thống, do nguồn tạng hiến rất hiếm hoi. Đây là một trong những rào cản rất lớn để thực hiện nhiều ca ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung.
PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện cam kết tập thể y bác sĩ Bệnh viện sẽ luôn nỗ lực để những quả thận, những phần tạng được hiến từ nghĩa cử cao đẹp của các gia đình có người thân chết não có thể về với các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo an toàn nhất, từ đó, giúp các bệnh nhi thoát khỏi các tình trạng bệnh lý mãn tính nặng nề như bệnh suy thận mạn, suy gan, suy tim...
Thái Bình/ Ảnh: BVCC