Nhức nhối ô nhiễm không khí ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng tại các đô thị lớn (đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) đang là thách thức rất lớn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.
Tuy nhiên để chống ô nhiễm không khí hiệu quả, theo ông Duy, các bộ, ngành, địa phương cần phải hành động ngay và hành động có trách nhiệm.
Không kiểm soát ô nhiễm không khí, chi phí xử lý hậu quả sẽ rất tốn kém
Chia sẻ tại Hội nghị tổ công tác tham vấn ý kiến, hoàn thiện “Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 5/7, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo ông Duy, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang là thách thức rất lớn. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết vấn đề này, nhất là trong các cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong thời gian qua, dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí, tuy nhiên kết quả đạt được trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan này cũng đã chủ trì nhiều hoạt động phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, và gần đây là hội thảo tại Nhà Quốc hội vào tháng Tư vừa qua để bàn giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.
Cũng theo ông Duy, trước đây, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng đề án khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, định hướng được điều chỉnh sang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia, nhằm bảo đảm tinh thần phân cấp, phân quyền. Theo đó, địa phương quyết định, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện; Trung ương xây dựng khung định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, thể chế.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành, tổ chức quốc tế đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng về các nội dung trọng tâm vào ngày 27/3/2025.
Dự thảo đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trong nước, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành và chuyên gia. Trong đó, trọng tâm là dự báo các áp lực môi trường trong giai đoạn 5-10 năm tới để xác định các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt kiềm chế gia tăng ô nhiễm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.
“Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy giai đoạn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển cũng chính là thời kỳ chịu áp lực môi trường lớn nhất, khi tốc độ phát thải thường cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả ngay từ bây giờ, chi phí xử lý hậu quả về sau sẽ vô cùng tốn kém,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu. (Ảnh: Khương Trung)
Dẫn thêm ví dụ đáng chú ý được nhắc tới là thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi từng có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn cả Hà Nội hiện nay, ông Duy cho hay nhờ đầu tư mạnh mẽ hàng tỷ USD và triển khai đồng bộ các giải pháp, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí.
Đó là minh chứng cho việc đầu tư sớm và đúng hướng sẽ giúp giảm thiểu chi phí và hiệu quả cao hơn trong dài hạn.
Không thể để Thủ đô "chìm" trong khói bụi
Từ thực tế ô nhiễm không khí ở trong nước và bài học từ Bắc Kinh, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu xoay quanh ba nhóm nội dung chính.
Thứ nhất là về đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong dự thảo kế hoạch, các đại biểu cần xem xét tính chính xác, đầy đủ của các nhận định, xác định đâu là nguyên nhân chính, đâu là thứ yếu để có cơ sở xây dựng giải pháp phù hợp. Một số nguyên nhân được đề cập gồm: khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp, và hoạt động của các khu công nghiệp.
Thứ hai, về giải pháp, các nhóm giải pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đại biểu đóng góp thêm ý kiến để làm rõ tính khả thi, hiệu quả, căn cơ của các giải pháp đã đề xuất, từ công trình đến phi công trình, từ cơ chế chính sách đến tuyên truyền, giáo dục.
Thứ ba, về phân công thực hiện, ai sẽ làm, khi nào làm, làm bằng nguồn lực nào? Đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tinh thần chỉ đạo hiện nay là địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Theo đó, Trung ương giữ vai trò thiết kế chiến lược, xây dựng thể chế, đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cơ sở dữ liệu để làm căn cứ quản lý, còn chính quyền các cấp tại địa phương sẽ triển khai trực tiếp.
Ông Duy cũng nêu ví dụ cụ thể như việc kiểm soát khí thải giao thông, rằng muốn kiểm soát được phải có hệ thống đăng kiểm, quy chuẩn, phương tiện đo kiểm đạt chuẩn. Hay như chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, theo ông Duy thì cần phải có chính sách hỗ trợ, lộ trình rõ ràng, từ hạn chế xe xăng tới khuyến khích sử dụng xe điện. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã bước đầu thực hiện hỗ trợ xe công nghệ chuyển sang xe điện, một nhóm di chuyển thường xuyên trong đô thị.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đặc biệt lưu ý đến yêu cầu về kết quả cụ thể. Ví dụ như với tại thành phố Hà Nội, mùa cao điểm ô nhiễm không khí rơi vào từ tháng Mười đến tháng Tư năm sau trùng với thời điểm chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện lớn của đất nước.
“Do đó, Hà Nội cần đặt mục tiêu rõ ràng như cuối năm nay chất lượng không khí ở Thủ đô phải được cải thiện so với đầu năm, năm sau phải tốt hơn năm trước. Đây là giai đoạn đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, không thể để hình ảnh Thủ đô chìm trong khói bụi tiếp diễn như những năm qua,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường bày tỏ mong muốn sẽ tiếp nhận được các ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, có giá trị thực tiễn của các đại biểu, giới chuyên gia, để sớm hoàn thiện dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai trên toàn quốc.
“Chúng ta cần hành động ngay, hành động đúng và hành động có trách nhiệm, vì chất lượng không khí hôm nay là sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước ngày mai” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kêu gọi./.
(Vietnam+)