Chiều 14/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là cơ chế đánh giá cán bộ, công chức làm sao để đảm bảo thực chất, khách quan, khoa học.
Tránh tình trạng khen thưởng "luân phiên"
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị, cần xây dựng riêng khung đánh giá cho các vị trí việc làm có tính chất khác nhau, không dùng chung một khung đánh giá như hiện nay đang áp dụng.
"Mỗi vị trí việc làm của công chức sẽ có những nội dung công việc khác nhau, kết quả đầu ra, sản phẩm của công việc khác nhau. Nếu dùng chung một khung tiêu chí đánh giá cho tất cả các vị trí việc làm thì sẽ khó có thể đánh giá toàn diện và công bằng," đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực tế, đồng thời đề xuất cần xây dựng những tiêu chí riêng, rõ ràng, cụ thể và có tính định lượng để dễ dàng trong công tác đánh giá.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần chú trọng tới việc biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các cán bộ, công chức có thành tích tốt, có sự đột phá, sáng tạo, cách làm hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.
Đặc biệt công tác khen thưởng phải thực chất, đảm bảo là sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân xứng đáng. Tránh tình trạng khen thưởng "luân phiên", tránh tâm lý "nể nang" khi bình xét, lựa chọn người được khen thưởng. Có như vậy, mới tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có sự đổi mới, sáng tạo trong khuôn khổ theo quy định, đại biểu kỳ vọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Media Quốc hội
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nêu thực trạng vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay. Nhiều cán bộ làm việc cầm chừng, chất lượng, hiệu quả công việc thấp, thiếu sự rèn luyện nhưng cuối năm tập thể, người đứng đầu vẫn không dám đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Đại biểu đề nghị, để đánh giá được kết quả sản phẩm của một cán bộ công chức được xuyên suốt, liên tục thì việc đánh giá phải được thực hiện liên tục theo quý, 6 tháng, 1 năm để tránh việc kiểm điểm trong một năm nhiều nhiệm vụ sẽ bị bỏ sót, lãng quên nhiệm vụ.
Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm cơ chế giám sát chéo, phản biện từ đồng nghiệp và người dân, bảo đảm khách quan, toàn diện, hạn chế đánh giá cảm tính của người đứng đầu.
Không nên phân loại công chức theo cơ quan công tác
Cũng góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh đến nguy cơ phá vỡ nguyên tắc thống nhất của chế độ công vụ nếu tiếp tục duy trì quy định phân loại công chức theo cơ quan công tác như quy định tại khoản 1, Điều 21.
Theo đại biểu, cán bộ, công chức dù hoạt động trong hệ thống nào, là cơ quan Đảng, Nhà nước hay các tổ chức đoàn thể đều thực hiện công vụ, cùng chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Do vậy, việc phân loại này là không cần thiết, thiếu cơ sở thực tiễn, có thể dẫn đến sự phân biệt không đáng có giữa các công chức, đi ngược lại với tinh thần cải cách hành chính và nguyên tắc của chế độ công vụ.
Về phân loại công chức theo ngạch, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần thiết có sự phân biệt theo trình độ chuyên môn, nhưng lưu ý rằng việc quy định các ngạch (từ cao cấp đến cán sự, nhân viên) cần được thiết kế linh hoạt, không nên xếp ngạch cán sự và ngạch nhân viên cùng một mức độ chuyên môn và cần tính đến khả năng bổ sung các ngạch mới như "chuyên gia", "chuyên gia cao cấp" cho các vị trí tham mưu chính sách.
Đồng thời, đề nghị xem xét lại thẩm quyền quy định các ngạch công chức, hoặc luật hóa toàn bộ quy định này, hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tránh chồng chéo, tạo kẽ hở trong thực thi.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Media Quốc hội.
Xóa bỏ "tư duy biên chế suốt đời"
Tiếp thu giải trình về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng luật nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời thực hiện mục tiêu cơ cấu lại cán bộ, công chức, gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Giải trình về mối quan hệ giữa vị trí việc làm và ngạch công chức, Bộ trưởng Trà nói, dự thảo luật đã xác lập chế độ công vụ theo nguyên lý lấy vị trí việc làm là trung tâm, nền tảng, cốt lõi để vận hành xuyên suốt bộ máy hành chính.
"Vị trí việc làm chi phối toàn bộ "vòng đời" trong quản trị nhân lực khu vực công, như xác định biên chế, phân bổ nhân lực, căn cứ duy nhất để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng, trả lương," Bộ trưởng Trà cho biết
Theo dự thảo, khi tuyển dụng vào vị trí việc làm nào sẽ được xếp vào ngạch tương ứng. Điều này thấy rõ công chức không phải đi theo tuần tự của hệ thống ngạch như trước đây.
"Cán bộ công chức muốn tồn tại thì phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Không phải chỉ có ngạch và xóa bỏ tình trạng giữ "ghế" nhờ ngạch, từ đó sẽ tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm theo hướng chuyên nghiệp," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội.
Về vấn đề phân loại công chức, Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc bỏ phân loại theo cơ quan công tác, song cũng cần bổ sung phân loại theo thứ bậc và nhóm chuyên gia.
Các nội dung được quan tâm như cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, đảm bảo bình đẳng giới, nghiên cứu làm việc từ xa, trực tuyến, cơ chế xóa bỏ "tư duy biên chế suốt đời" sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đảm bảo việc thực hiện luật trong thực tế thuận lợi.
Theo Bộ trưởng, một trong những điểm thiết kế mới trong dự thảo luật là quy định đánh giá cán bộ công chức. Việc đổi mới thể hiện từ việc chuyển đánh giá định tính sang định lượng bằng sản phẩm theo vị trí việc làm, chức trách được giao.
Khi tham mưu cho Chính phủ, sẽ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trên cơ sở sử dụng công nghệ, dữ liệu số công vụ, công chức và chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia có nền công vụ hiện đại.
Cùng với đó sẽ có sự kết hợp giữa KPI với đặc thù công vụ tại Việt Nam, kết quả định lượng theo vị trí việc làm, bảo đảm đánh giá thực chất, công khai, minh bạch, chính xác. Từ đó, làm cơ sở vững chắc thực hiện nguyên lý không có "biên chế suốt đời".
Kiều Chinh