Khoảng 280.000 trẻ em trên toàn nước Mỹ hiện đang có nguy cơ cao mắc sởi. Ảnh minh họa: IT
Dịch sởi bùng phát tại Mỹ, và có nguy cơ kéo dài đến năm 2026
Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 28/3, Mỹ đã ghi nhận 483 ca sởi xác nhận tại 20 bang, với ít nhất 2 trường hợp tử vong và 70 ca nhập viện.
Tình hình đang được đánh giá là nghiêm trọng tại bang Texas với thông tin xác nhận từ Sở Y tế bang có tới 400 ca mắc sởi kể từ cuối tháng 1 và 41 bệnh nhân phải nhập viện.
Texas là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát lần này, với tổng cộng 400 ca mắc sởi được ghi nhận kể từ cuối tháng 1, tập trung chủ yếu ở Tây Texas. Sở Y tế bang Texas cho biết chỉ riêng trong tuần qua, số ca mắc đã tăng thêm 73 ca, với 270 ca đến từ quận Gaines, nơi được cho là nguồn gốc của đợt bùng phát.
Theo các chuyên gia, tình hình có thể tiếp tục xấu đi do tỷ lệ tiêm chủng giảm sút. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, dịch sởi có thể tiếp tục lây lan sang các khu vực khác của Mỹ và kéo dài đến năm 2026.
Mỹ tăng cường cảnh báo về sức khỏe, và khuyến cáo tiêm vắc xin phòng dịch sởi
Các ca mắc sởi bùng phát đã khiến nhà chức trách tăng cường cảnh báo về sức khỏe, khuyến cáo tiêm vắc xin khẩn cấp. Hầu hết các trường hợp mắc sởi trên toàn quốc đều liên quan đến trẻ em trong độ tuổi đi học chưa được tiêm vắc xin.
Tỷ lệ tiêm chủng giảm được coi là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, báo cáo về tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-quai bị-rubella (MMR) ở trẻ mẫu giáo giảm từ 95,2% trong năm học 2019-2020 xuống còn 92,7% trong năm học 2023-2024. Báo cáo cũng chỉ rõ tỷ lệ tiêm đã "khiến khoảng 280.000 người có nguy cơ mắc bệnh".
Theo hãng CNN, chia sẻ ý kiến từ chuyên gia dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm Michael Mina cho biết, dịch sởi bùng phát hiện nay hoàn toàn do những cá nhân chưa được tiêm vắc xin.
Sở Y tế bang New Jersey, cho biết: "95% các trường hợp mắc bệnh được báo cáo tại Mỹ vào năm 2025 là ở trẻ em và những cá nhân chưa được tiêm vaccine MMR hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng".
"Nếu dịch sởi bùng phát trong 1 năm hoặc lâu hơn, Mỹ có thể mất đi vị trí tiệt trừ bệnh sởi"
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC)
Được biết, từ năm 2000, nước Mỹ đã tuyên bố loại trừ được bệnh sởi, nghĩa là trong nước không có sự lây truyền bệnh liên tục. Tuy nhiên, với tình hình mới, các nhà chức trách đã phải lên tiếng cảnh báo, động viên và khuyến khích người dân tham gia các đợt tiêm chủng đề phòng ngừa dịch bệnh có thể bùng phát mạnh hơn và kéo dài.
Quang Minh