Một góc Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/ TTXVN
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách và những bên liên quan trong ngành đã dự kiến trước được động thái này, song vẫn gây ra phản ứng trái chiều từ công chúng, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Goh Lim Thye, Giảng viên cao cấp tại Khoa Kinh tế, Đại học Malaya cho rằng, chính sách này là bước tiến quan trọng trong nỗ lực đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và mang lại lợi ích chiến lược trong dài hạn.SST được tái áp dụng từ năm 2018 để thay thế Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), song bị chỉ trích là có cơ sở tính thuế hẹp và khiến việc thực thi kém hiệu quả. Hiện nay, SST đã được sửa đổi để khắc phục những bất cập mới này. Các biện pháp mới bao gồm tăng thuế suất dịch vụ từ 6% lên 8% đối với một số ngành được chọn, song không bao gồm các dịch vụ thiết yếu như thực phẩm và đồ uống, viễn thông, hậu cần và bãi đậu xe. Ngoài ra, SST cũng mở rộng phạm vi các dịch vụ chịu thuế trong đó có những lĩnh vực giải trí.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của công chúng, chính phủ cũng miễn thuế bán hàng đối với các dịch vụ thiết yếu như gạo, rau, cá, trứng và một số loại trái cây nhập khẩu như táo và cam. Ngoài ra, chính phủ cũng bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ (MSME) khỏi gánh nặng tài chính khi nâng ngưỡng phải đăng ký SST từ 500.000 ringgit (117.000 USD) lên 1 triệu ringgit (240.000 USD).
Về mặt kinh tế vĩ mô, tỷ lệ thuế trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia chỉ là 12,2% vào năm 2022 và tăng lên 13,2% vào quý III/2024. Mức thuế này thấp hơn đáng kể so với Thái Lan (16%) và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, hơn 30%). Cơ sở tính thuế thấp đã hạn chế khả năng chính phủ hỗ trợ cho các dự án phát triển và bảo trợ xã hội.
Ngân sách năm 2025 ước tính, doanh thu từ SST sửa đổi đã bổ sung cho thêm 5 tỷ ringgit (1,18 tỷ USD) cho chính phủ. Với khoản nợ công ở mức 1.220 tỷ ringgit (chiếm 63% GDP) vào tháng 4/2024 và thâm hụt ngân sách được thu hẹp từ mức 5% GDP vào năm 2023 xuống 4,1% GDP vào năm 2024, việc huy động thêm nguồn tài chính từ trong nước không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3,8% GDP vào năm 2025.
Chiến lược này không chỉ có ở Malaysia. Nhiều nền kinh tế khác đã mở rộng cơ sở tính thuế sau đại dịch COVID-19. Singapore hiện áp dụng thuế GST là 9% kể từ tháng 1/2024, tăng từ 8% so với cùng kỳ năm trước. Mức thuế này cao hơn Malaysia và phản ánh cam kết đánh thuế tiêu dùng trên diện rộng, trong khi đó vẫn duy trì các chính sách phân phối lại thông qua những chương trình như Phiếu giảm giá GST và hoàn tiền tiện ích U-Save vĩnh viễn.
Ngoài ra, Indonesia áp dụng Thuế giá trị gia tăng (VAT) là 11% kể từ năm 2022 và đang cân nhắc tăng lên 12% vào năm 2025. Điều này phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường huy động doanh thu và hỗ trợ tính bền vững tài chính dài hạn. New Zealand áp dụng thuế GST là 15% và triển khai các chính sách phúc lợi xã hội có mục tiêu và hệ thống thuế thu nhập lũy tiến. Những ví dụ này cho thấy, hệ thống thuế SST có thể được áp dụng và triển khai hiệu quả thông qua các khuôn khổ phân phối lại minh bạch hơn.
Tuy nhiên, các hộ gia đình có thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu phần lớn thu nhập vào tiêu dùng và dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng tăng giá. Để giải quyết vấn đề này, điều cần thiết là chính phủ cần phân bổ một phần doanh thu từ SST mở rộng để tái đầu tư và trợ cấp có mục tiêu. Việc tăng cường các chương trình như hỗ trợ tiền mặt Bantuan Tunai Rakyat (BTR), mở rộng trợ cấp thực phẩm và lĩnh vực vận tải, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân sẽ giúp chính phủ hạn chế được những tác động tiêu cực từ việc áp dụng chính sách thuế mới. Bên cạnh đó, Malaysia cũng cần tăng cường giám sát việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền thu được thông qua Tổng kiểm toán và Ủy ban Tài khoản công (PAC), đồng thời áp dụng số hóa để tăng cường trách nhiệm giải trình và củng cố niềm tin của người dân.
Một khía cạnh thường bị bỏ qua là cải cách thuế đóng góp hiệu quả vào việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Malaysia đã tăng 11 bậc lên vị trí thứ 23 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới IMD năm 2025, vị trí cao nhất kể từ năm 2020. Việc Malaysia có các chính sách thuế giúp giảm thâm hụt tài khóa và quản lý nợ hiệu quả sẽ giúp tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như những cơ quan xếp hạng toàn cầu. Nếu nguồn thu SST mở rộng có thể góp phần giúp thu hẹp thâm hụt ngân sách từ 5% GDP xuống mức mục tiêu 3,8% GDP trong trung hạn thì Chính phủ Malaysia có thể tiếp tục củng cố uy tín đối với người dân và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để triển khai SST hiệu quả đòi hỏi chính phủ cần có sự nhất quán và lắng nghe ý kiến từ nhiều bên. Việc chính phủ quyết định không đánh thuế đối với dịch vụ làm đẹp và miễn thuế đối với một số loại trái cây cho thấy Chính phủ Malaysia đã lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Các chính sách kinh tế, đặc biệt là những chính sách ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được xây dựng và triển khai trên cơ sở minh bạch và có sự tham vấn của các doanh nghiệp, người dân và tổ chức, từ đó xây dựng được sự đồng thuận từ công chúng.
Cuối cùng, Tiến sĩ Goh kết luận, việc sửa đổi SST là một bước tiến hướng tới mục tiêu đảm bảo sự ổn định, tính bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ cần tăng cường các chính sách cải cách rộng hơn nhằm cải thiện hiệu quả quản lý thuế, giảm thất thoát trong mua sắm công và áp dụng những khuôn khổ chi tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, chính phủ cần đảm bảo cung cấp các dịch vụ công một cách công bằng cho mọi tầng lớp người dân. Theo đó, người dân sẽ chấp nhận việc tăng thuế nếu họ nhận thấy những lợi ích hữu hình như cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục, y tế được cải thiện.
Mặc dù SST sửa đổi chưa phải là chính sách tốt nhất, song sẽ giúp Malaysia vượt qua các khó khăn về mặt tài chính hiện nay. Thách thức lớn nhất nằm ở việc chính phủ cần phải sử dụng hiệu quả, toàn diện nguồn thu từ thuế. Nếu các khoản thuế bổ sung được phân bổ đúng và hướng đến việc thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng, nền kinh tế Malaysia sẽ đạt được mục tiêu kép là thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đảm bảo công bằng xã hội.
Thành Trung/BNEWS/Vnanet.Vn