Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, có nhiều đề xuất sâu sắc, mang tính cải cách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang cần sự bứt phá về năng lực cạnh tranh.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu tại phiên thảo luận.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là cần giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, điều kiện kinh doanh gây cản trở và các chi phí sản xuất vô lý cho doanh nghiệp, theo đúng chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đại biểu khẳng định: “Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phải là một đạo luật gốc, có vai trò then chốt trong việc hình thành phương thức quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm hàng hóa một cách khoa học, thống nhất và phù hợp thông lệ quốc tế.”
Tập trung góp ý vào nội dung quy định về công bố hợp quy, đại biểu đề xuất bãi bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa đã có quy chuẩn kỹ thuật.
Theo đại biểu, quy định này không chỉ không có giá trị thực tiễn trong quản lý Nhà nước, mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi lưu thông; điều này hoàn toàn trái ngược với thông lệ quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định TBT hay Hiệp định SPS của WTO.
Đại biểu cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp hiện đang tốn kém đáng kể cho việc thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận hợp quy - những hoạt động mang tính hình thức, không góp phần thực chất vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Một mẫu thử nghiệm được dùng để chứng nhận trong nhiều năm là không có ý nghĩa gì về mặt an toàn, trong khi chi phí kiểm định lại rất cao, gây gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông nói. Điều này không những làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, mà còn khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi các tuyên bố chất lượng đã được “công nhận”, trong khi thực tế lại không được kiểm tra thường xuyên bằng hậu kiểm.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất cần học hỏi mô hình quản lý của các quốc gia phát triển khi phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao) để từ đó xác lập chế độ kiểm tra tương ứng. Đây là nguyên tắc quản lý tiên tiến, phù hợp với các hệ thống chất lượng quốc tế như ISO, GMP, HACCP... Theo đó, người sản xuất sẽ chỉ cần công bố tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, chứ không phải tiến hành công bố hợp quy - một thủ tục vừa phức tạp vừa không cần thiết.
“Giảm chi phí và giá thành là yêu cầu sống còn để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trong bối cảnh các quốc gia đang dựng lên những rào cản thương mại mới”, đại biểu nhấn mạnh. Đồng thời, ông cảnh báo nếu luật không quy định rõ ràng các nguyên tắc thống nhất trong phương thức quản lý chất lượng thì khi triển khai sẽ dẫn đến tình trạng “mỗi bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương một kiểu”, gây cản trở phát triển, làm suy yếu thương hiệu quốc gia.
Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo cần lắng nghe thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp và tham chiếu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng với tinh thần cải cách thể chế, phát triển kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng.
Thúy Hằng