Cần bỏ công bố hợp quy vì làm khó doanh nghiệp, rào cản của Nghị quyết 68

Cần bỏ công bố hợp quy vì làm khó doanh nghiệp, rào cản của Nghị quyết 68
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 10-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT). Một trong những nội dung được nhiều nhiều ĐBQH nêu ý kiến là đề nghị bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, gây tốn kém, phiền phức cho doanh nghiệp.
Dự luật vẫn giữ một phần thủ tục công bố hợp quy
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp Giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật chuyên ngành.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một QCKT thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 26a).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời hai thủ tục công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.
Ông Huy cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.
“Tiếp thu ý kiến nêu trên, tại Điều 48 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57 dự thảo Luật).
“Việc quy định như vậy không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu”, ông Huy nhấn mạnh.
Cần bỏ toàn phần thủ tục công bố hợp quy
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải bãi bỏ toàn bộ các thủ tục về công bố hợp quy vì loại thủ tục này không phát huy hiệu quả trong thực tế, gây phiền hà, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Mặt khác nhiều nước trên thế giới đã không còn áp dụng hình thức công bố hợp quy này trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nữa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)
Góp ý vào dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng nên bãi bỏ thủ tục hợp quy vì không phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu giữ quy định này nó khiến Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đến nay còn duy trì loại thủ tục này. Bà cũng cho hay hiện nay các nước chỉ tập trung vào xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và thực hiện hậu kiểm thông qua các công cụ đánh giá của họ.
Nếu giữ loại thủ tục này Việt Nam còn rơi vào nguy cơ bị các đối tác thương mại nhìn nhận đây là hàng rào phi thuế quan. “Thực tế cho thấy để thực hiện thủ tục hợp quy, doanh nghiệp rất tốn kém chi phí, thời gian chờ đợi, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”, đại biểu Bé nói.
Theo bà trong thực tế quy định này không có hiệu quả trong thực tế, nên áp dụng cách làm của thế giới hiện nay là để doanh nghiệp tự áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa của mình, còn nhà nước thì thông qua các công cụ giám sát của mình, tiến hành hậu kiểm nếu phát hiện sản phẩm, hàng hóa không đạt tiêu chuẩn.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh)
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho hay hiện nay có khoảng 20 hiệp hội, đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp thành viên đã có chung kiến nghị nên bãi bỏ thủ tục hợp quy vì gây phiền hà, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng theo đại biểu, VCCI đã tổ chức nhiều hội thảo đánh giá làm rõ tác động, hiệu quả quản lý nhà nước của quy định công bố hợp quy này sau đó cũng có chung kiến nghị như vậy. Đặc biệt tại kỳ họp 8, khi thảo luận về dự luật này tại tổ và hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có đề xuất bãi bỏ quy định này.
“Tôi cho rằng khi có quá nhiều các ý kiến phản ánh những bất cập, phiền hà, lãng phí từ thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì không có quốc gia nào áp dụng công bố hợp quy như Việt Nam thì chúng ta cần nghiên cứu, tiếp thu, bãi bỏ quy định này”, đại biểu Vân nói.
Bà nhấn mạnh trong bối cảnh Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành, thì việc bãi bỏ loại thủ tục vô lý, gây gia tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp như loại thủ tục công bố hợp quy càng phải được bãi bỏ sớm, chứ không nên giữ lại một phần như cơ quan thẩm tra dự luật đã giải trình.
Phân tích và chỉ ra hàng loạt bất cập của quy định này, đại biểu Vân đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải tiếp tục duy trì một thủ tục gây lãng phí quy mô lớn và vô hình chung trở thành “giấy phép con trá hình” - trái ngược hoàn toàn với tinh thần cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi."
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/can-bo-cong-bo-hop-quy-vi-lam-kho-doanh-nghiep-rao-can-cua-nghi-quyet-68-post849006.html