Cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân
một ngày trướcBài gốc
PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế, Học viện Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành tại Luật TNCN sửa đổi năm 2012, nếu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động tăng từ 20% trở lên so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với biến động giá cả.
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng, lên 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại là thu nhập căn cứ tính thuế TNCN. Tuy nhiên, đến nay mức giảm trừ này thể hiện nhiều bất cập, khi mức chi tiêu tăng và giá cả ngày càng đắt đỏ.
"Phải mất nhiều thời gian để chỉ số CPI tăng đủ 20%, trong khi đó giá cả hàng hóa tăng hàng năm mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn không thay đổi gây thiệt thòi cho người làm công ăn lương", PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế, Học viện Tài chính cho biết.
Ví dụ, gia đình vợ chồng anh Lê N. có hai con đang sống ở TP. Hà Nội. Hiện tại, với mức thu nhập mỗi tháng hơn 30 triệu đồng chạm mức thu nhập chịu thuế, nhưng gia đình anh vẫn không dư giả về mặt kinh tế khi chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi con ăn, học, thuê nhà đã tiêu tốn gần hết. Tích lũy gia đình tháng có tháng không.
Một trường hợp khác là vợ chồng anh Hoàng Thủy có thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng. Dù thuộc nhóm thu nhập chịu thuế đã 20 năm, song nếu không có gia đình trợ giúp thì anh cũng chẳng thể mua được căn nhà ở xã hội. Và đến nay, gia đình anh chị vẫn phải cân đối chi tiêu, vừa trả tiền vay mua nhà, vừa chi phí cho 2 con đang chuẩn bị thi hết cấp 2 và cấp 3.
Câu chuyện của anh Thủy phản ánh nghịch lý, nhiều gia đình được xem là trung lưu, có thu nhập "ổn định" theo cách nhìn truyền thống, nhưng thực tế vẫn chật vật trước áp lực tài chính do chi phí nhà ở, sinh hoạt, giáo dục tăng cao, trong khi các chính sách giảm trừ thuế chưa sát với thực tế cuộc sống.
Hiện nay, mỗi năm chỉ số CPI vẫn tăng vài phần trăm, nhưng thực tế trong thời gian qua nhiều người mức lương còn giảm do dịch bệnh, thiên tai. Vì vậy, ai cũng mong mức giảm trừ gia cảnh sớm được sửa đổi để các gia đình không phải thắt lưng, buộc bụng như hiện nay.
Theo TS.LS. Châu Huy Quang, luật sư điều hành của Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers, vừa qua, Quốc hội đã họp bàn, thống nhất và ban hành Nghị quyết 192/2025/QH15 bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%. Vì vậy, nếu phải chờ đến năm 2027 mới điều chỉnh, nhiều người làm công ăn lương sẽ phải còng lưng gánh thuế, dù thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), trong đó có nội dung về giảm trừ gia cảnh, cần được hoàn thiện và sớm thông qua để hỗ trợ người lao động, giúp gia đình họ giảm bớt áp lực tài chính.
PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế, Học viện Tài chính đề xuất giao Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc 2 năm/lần dựa theo điều kiện kinh tế - xã hội để xác định mức giảm trừ thay vì chỉ căn cứ mức biến động CPI trên 20% như hiện nay.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Xuân Trường cho rằng Chính phủ cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết nâng mức giảm trừ lên càng sớm càng tốt và có thể áp dụng từ năm nay. Để phù hợp với thực tiễn của nước ta, cần phải cân nhắc, tính toán rất kỹ, không chỉ bảo đảm nâng thu nhập cho người nộp thuế thông qua giảm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, mà còn phải tính đến dự toán thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh lên tương ứng với mức CPI nhưng có tính dự báo sao cho phù hợp đến các năm sau.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam phân tích rằng, cần bổ sung trong Luật các điều kiện như không cần xin ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà căn cứ vào biến động, tiền lương để chủ động điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Cách điều chỉnh có thể căn cứ vào tỷ lệ trượt giá hoặc mức thu nhập bình quân để đảm bảo sự kịp thời và hợp lý. Ngoài ra, cần làm rõ các khoản thu nhập chịu thuế và không chịu thuế nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm đối tượng, đồng thời ngăn chặn tình trạng né thuế hoặc sự thiếu minh bạch trong kê khai TNCN.
Bên cạnh các điều chỉnh về chính sách thuế, quy trình quyết toán thuế cũng cần được đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp. Cuối cùng, việc tăng cường quản lý thu nhập từ nền kinh tế số cũng là một yêu cầu cấp thiết. Những nguồn thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, đầu tư chứng khoán hay hoa hồng môi giới cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mọi khoản thu nhập đều được đánh thuế một cách công bằng và minh bạch.
"Tôi hy vọng rằng, với những điều chỉnh hợp lý, Luật Thuế TNCN sẽ ngày càng công bằng hơn, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế", bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định.
Trà Giang
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/can-som-sua-doi-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-162109.html