Cần truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi đối với các loài ngoại lai, quý hiếm

Cần truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi đối với các loài ngoại lai, quý hiếm
8 giờ trướcBài gốc
Một số loài là động vật hoang dã đã được thuần hóa gây nuôi, song cần quản lý hoạt động chăn nuôi để kiểm soát an toàn sinh học. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Tại Việt Nam, chăn nuôi các loài vật nuôi trong “Danh mục động vật khác” được phép chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế, giá trị y học cao. Tuy nhiên, một số loài chưa có đánh giá toàn diện khi tiến hành chăn nuôi công nghiệp, nên có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người và vật nuôi khác.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật Chăn nuôi về chăn nuôi động vật khác thuộc Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi, quy định về truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi và quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định giống vật nuôi thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay tại Việt Nam, có loài như ruồi lính đen là động vật ngoại lai mới được phép nuôi.
Một số loài dế, giun chưa có đánh giá toàn diện khi tiến hành chăn nuôi công nghiệp và có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đa dạng sinh học, hoặc an toàn thực phẩm, an toàn cho con người như bọ cạp.
Một số loài như vịt trời đã được thuần hóa gây nuôi, song vẫn cần quản lý hoạt động chăn nuôi để kiểm soát an toàn sinh học, ngăn ngừa nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người và vật nuôi khác.
Riêng ruồi lính đen, năm 2024, có hai cơ sở nuôi với diện tích chăn nuôi lần lượt là 5360m2 và 45636m2. Số ruồi có mặt thường xuyên tại các cơ sở nuôi lần lượt là 4 triệu cá thế và 40 triệu cá thể/ngày đã bắt đầu hoạt động.
Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi động vật khác trong “Danh mục động vật khác” được phép chăn nuôi ở Việt Nam, đang phát triển nhanh, mạnh và hoàn toàn tự phát, thiếu kiểm soát do chưa có khung pháp lý chi tiết quy định; nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể gây hậu quả trong sản xuất.
Một số loài ngoại lai, loài quý hiếm chưa có đánh giá toàn diện khi tiến hành chăn nuôi công nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Đối với các giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc “Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ,” có 6 giống vật nuôi có tên trong danh mục, gồm: Giống lợn Ỉ, giống lợn Ba xuyên, giống lợn Hung, giống lợn Mường Lay, giống gà Sao Vàng, giống ngan Sen. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, đến nay một số giống vật nuôi có tên nêu trên đã không còn trong sản xuất, một số khác đã được phát triển rộng rãi trong sản xuất.
Trong năm 2024, theo đề nghị của Cục Kiểm Lâm về việc phối hợp trả lời Công văn số 2936/BTNMT-BTĐD ngày 8/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về rà soát, cập nhật danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi Viện Chăn nuôi triển khai rà soát.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất của viện và thực tế quản lý tại các địa phương, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong đó có đề nghị đưa khỏi danh mục 1 giống ngan sen do giống này hiện đang phát triển trong sản xuất; đưa vào danh mục 1 giống lợn vân pa, 2 giống vịt bầu quỳ, vịt bầu bến do đây là những nguồn gen quý và số lượng con thuần còn rất ít trong sản xuất.
Tuy nhiên, việc thực hiện đề xuất trên chưa đảm bảo quy trình quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thuộc “Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” nên chưa có đủ cơ sở để xem xét đề xuất.
Từ căn cứ pháp lý và yêu cầu cấp thiết từ thực tế sản xuất nêu trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng việc xây dựng thông tư trên là cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý hoạt động chăn nuôi động vật khác; cũng như truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi, đưa giống vật nuôi phù hợp vào “Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai, thực thi pháp luật.
Dự thảo thông tư cũng hướng tới mục tiêu quy định biện pháp quản lý, ngăn chặn rủi ro từ việc nuôi động vật khác trong chăn nuôi, qua đó bảo đảm sức khỏe của vật nuôi, môi trường chăn nuôi và sức khỏe của cộng đồng./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/can-truy-xuat-nguon-goc-trong-chan-nuoi-doi-voi-cac-loai-ngoai-lai-quy-hiem-post1034502.vnp