Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Quảng Trị

Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Quảng Trị
2 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị với mô hình “Tay kéo Biên phòng” tại xã A Ngo, huyện Đakrông. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn, trong đó, 1 xã khu vực I, 2 xã khu vực II, 28 xã khu vực III. Dân số dân tộc thiểu số là 21.960 hộ, 97.021 khẩu (chiếm 14% dân số toàn tỉnh), với 2 cộng đồng dân tộc chủ yếu là Bru-Vân Kiều và Tà Ôi (Pa Cô).
Những năm qua, mặc dù được sự quan tâm, đầu tư lớn của Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo toàn vùng còn 26,1%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 53,26%. Tình trạng tái nghèo diễn ra khá phổ biến. Sinh kế chính của đồng bào là dựa vào nông nghiệp, nhưng phương thức sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, một số yếu tố tiêu cực như bệnh tật, thiên tai, khả năng tiếp cận thị trường khó khăn... đã ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sự phát triển bền vững của cộng đồng, dẫn đến vòng luẩn quẩn trong việc thoát nghèo và tình trạng dễ bị tổn thương trong đời sống của người dân.
Ông Trương Chí Hiếu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị nhận xét, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có vai trò hết sức quan trọng. Những nội dung trong chương trình đã bao quát khá toàn diện các khía cạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cải thiện sinh kế, chất lượng đời sống của người dân. Với nguồn lực lớn, chương trình được kỳ vọng đem lại những thay đổi quan trọng về chất trong quá trình phát triển bền vững của địa phương.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo tiêu chí ưu tiên cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, xã vùng biên giới, xã bị ảnh hưởng thiên tai nhiều nhất trong năm.
Ngoài nguồn lực từ ngân sách, tỉnh Quảng Trị còn liên kết, kêu gọi ủng hộ từ các chương trình, dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước, các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chung tay thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm dần khoảng cách phát triển; ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh vùng nội địa và biên giới... Việc thực hiện chính sách dân tộc ở Quảng Trị được triển khai thống nhất, với quyết tâm cao từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cho đến các sở, ngành, địa phương và người dân.
Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực và các giải pháp tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm ổn định đời sống kinh tế hộ gia đình về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt để người dân có đủ các điều kiện phát triển sản xuất tại các xã khu vực III, khu vực biên giới. Tổ chức phát triển sản xuất theo vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của từng tiểu vùng, nghề truyền thống của từng cộng đồng dân tộc và xu hướng tiêu thụ sản phẩm của thị trường. Tập trung chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng sản phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Chị Hồ Thị Thúy Hòa, dân tộc Pa Cô, thôn Thuận 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa phát triển kinh tế chăn nuôi. Ảnh: Phương Liên
Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện trồng sâm Ngọc Linh tại đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; bảo vệ, tái tạo và trồng mới cây lấy gỗ có giá trị cao trong các phân vùng rừng đặc dụng, rừng khu bảo tồn thiên nhiên. Trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay và các cửa khẩu tiểu ngạch hình thành các khu chế xuất, chế biến nông lâm sản miền núi; tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch, liên kết các vùng kinh tế, như: Tuyến đường từ thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đi xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa; tuyến đường từ cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông đi cảng nước Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng; trên cơ sở đó, tạo lập và phát triển các tiểu vùng kinh tế, điểm du lịch văn hóa dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn miền núi theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Nhờ các chính sách, chương trình, dự án, tỷ lệ hộ nghèo tại 38 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống giảm 5,05%; tại 31 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6,92%; tại các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn giảm 7,47%. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới được ưu tiên đầu tư. Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều mô hình hộ, nhóm hộ làm kinh tế giỏi, cho thu nhập cao và ổn định. Phong trào thi đua, hỗ trợ nhau trong sản xuất được kết nối và lan tỏa. Đến nay, đã có trên 100 thành viên người dân tộc thiểu số tham gia Câu lạc bộ thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên từ những vùng chuyên canh cây trồng theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ, bảo tồn.
Chứng kiến sự đổi mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Hồ Văn Tài, thôn A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hóa xúc động chia sẻ, cộng đồng người Vân Kiều, Pa Cô luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc; đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển, góp phần xây dựng quê hương ngày càng tiến bộ, văn minh.
Phương Liên
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/cham-lo-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-vung-bien-quang-tri-post482728.html