Chính thức trình Quốc hội 5 nhóm chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Chính thức trình Quốc hội 5 nhóm chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
10 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình Dự thảo nghị quyết.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, cuối giờ sáng 15/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Theo Bộ trưởng, Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Các nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.
Dự thảo thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, là, cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực và hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, Dự thảo quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.
Nội dung hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, theo Bộ trưởng gồm có quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, cụ thể là hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.
Trong hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, Bộ trưởng khái quát, Dự thảo quy định hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn…; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Nội dung tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là Dự thảo quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này, nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.
Lần này, Chính phủ cũng đề xuất 2 chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong: bao gồm đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia. Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra.
Nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính – ông Mãi nhấn mạnh.
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh. Cùng đó là sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành; đồng thời, trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều này sau khi Nghị quyết được ban hành, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại các luật liên quan để nâng cao hiệu lực pháp lý và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của quy định.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, Dự thảo quy định doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Để bảo đảm chính sách hỗ trợ lãi suất thực sự phát huy hiệu quả, ông Mãi nhấn mạnh, cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết và Nghị quyết số 68-NQ/TW, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.
Một số ý kiến đề nghị rà soát các nội dung mang tính tổ chức thực hiện, có khả năng phải thay đổi thường xuyên theo tình hình thực tế, không thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định; hiện nay, các cơ quan của Chính phủ vẫn đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung; đề nghị quy định tại văn bản của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW và Kết luận số 119-KL/TW, Chủ nhiệm Mãi phản ánh.
Ngay chiều nay Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Nguyễn Lê
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chinh-thuc-trinh-quoc-hoi-5-nhom-chinh-sach-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-d283969.html