Anh Hồ Văn Nghi (bên trái) kiểm tra chất lượng hàng hóa trên dây chuyền sản xuất của công ty -Ảnh: NVCC
Tháng 7/2019, anh Hồ Văn Nghi (sinh năm 1989), ở thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời bằng việc trở thành công nhân của Công ty Cổ phần thực phẩm Famisea (Đức Hòa, Long An). Trước đó, anh Nghi chưa bao giờ rời xa bản làng của mình. Chỉ 3 tháng sau, người thanh niên DTTS này được công ty tin tưởng, giao nhiệm vụ giám sát chất lượng sản phẩm. Hiện tại, công việc của anh Nghi là kiểm tra chất lượng hàng hóa trên một dây chuyền sản xuất của công ty.
Để đạt được vị trí công việc này trong thời gian ngắn, anh Nghi phải nỗ lực rất nhiều. Đối diện với những bỡ ngỡ, khó khăn trong công việc và môi trường sống, lúc nào anh cũng tự động viên mình vượt qua, nếu không muốn trở về quê, suốt ngày chỉ biết bám nương rẫy nhưng luôn đói nghèo. “Lúc mới vào công ty, tôi làm công việc chế biến thủy sản như bao công nhân khác.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc ở xưởng, tôi luôn học hỏi từ các anh chị quản lý để thạo việc hơn. Việc gì chưa làm được, tôi đều cố gắng cho đến khi thuần thục mới thôi. Thật bất ngờ khi chỉ sau 3 tháng, tôi được sắp xếp đảm nhận công việc mới, là nhân viên giám sát chất lượng”, anh Nghi chia sẻ.
Cùng làm việc với anh Nghi tại công ty này là 198 lao động đến từ các bản làng của huyện Đakrông. Nhiều trong số này do đơn vị lao động về tuyển dụng tại địa phương, sau đó những người làm việc ở đây giới thiệu cho bạn bè, người thân của họ. Ngoài công việc phù hợp, không quá nặng nhọc, các chế độ, chính sách của công ty đã giúp người lao động tin tưởng để gắn kết lâu dài.
Theo anh Nghi, không chỉ anh mà một số lao động người DTTS ở Đakrông cũng được công ty tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng. “Hiện có Hồ Thị Thúy ở xã Mó Ó là nhân viên Phòng Tổ chức nhân sự; Hồ Khâm Mây ở xã Ba Lòng là nhân viên thống kê tổng hợp lương; Hồ Văn Diệp ở xã A Bung là thủ kho vật tư cùng một số người được giao nhiệm vụ thống kê sản xuất. Với người khác có thể đây chỉ là những công việc bình thường nhưng với chúng tôi, đó là cả một sự nỗ lực”, anh Nghi bày tỏ.
Công ty Cổ phần thực phẩm Famisea có 500 lao động là người Quảng Trị, chủ yếu ở các huyện: Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh. Năm 2024, công ty đón nhận 186 lao động từ Quảng Trị. Huyện Đakrông là địa phương trong tỉnh có số lượng người lao động đông nhất tại công ty. Hiện tại có 35 cặp vợ chồng, 20 gia đình có từ 2-3 thành viên, 3 gia đình có 4-5 thành viên cùng làm việc tại công ty này. Thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động từ 18-25 triệu đồng; tiền thưởng cuối năm từ 36-50 triệu đồng; tích lũy hằng năm trên 100 triệu đồng.
Nhiều lao động người DTTS huyện Đakrông nhờ chăm chỉ làm việc nên có mức lương, thưởng cao như anh Hồ Văn Nam ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt. Tháng 8/2024, anh Nam là công nhân có thu nhập cao nhất phân xưởng với mức lương 16 triệu đồng. Anh cũng là công nhân nhận mức tiền thưởng cao nhất năm 2023 của công ty, trên 25,2 triệu đồng.
Theo trợ lý Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Famisea Huỳnh Minh Hoa, chính lực lượng lao động này đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển của công ty. Từ môi trường làm việc này, nhiều lao động người DTTS, trong đó có lao động ở huyện Đakrông không ngừng học tập, làm việc để tích lũy kiến thức, kỹ năng giao tiếp, từ đó có điều kiện cải thiện kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
“Hằng năm, số lao động người Quảng Trị trong công ty được xét bình chọn là cá nhân tiên tiến, xuất sắc khá đông. Có trường hợp như Hồ Văn Khoa, ở xã Ba Nang, huyện Đakrông 2 năm liên tục được bình chọn là cá nhân tiên tiến, xuất sắc. Hiện có 7 người lao động trên địa bàn huyện đăng ký tham gia khóa đào tạo trung cấp thủy sản do công ty mời Trường Cao đẳng nông nghiệp Nam Bộ, phân hiệu TP. Hồ Chí Minh về giảng dạy”, bà Hoa cho biết.
Công ty Cổ phần thực phẩm Famisea tuyển dụng nhiều lao động là người DTTS như Thái, Mường, Vân Kiều, Pa Kô, Ê đê, Xê đăng, Tày, Nùng, Khơ me... Người lao động vào công ty làm việc được tôn trọng, đối xử công bằng, không phân biệt vùng miền, địa phương. Quá trình làm việc, người lao động được đào tạo nội quy, quy định, hướng dẫn tay nghề.
Ngoài ra, những lao động có trình độ, qua quá trình làm việc nếu có ý thức kỷ luật, tay nghề cao sẽ được cán bộ quản lý tư vấn, định hướng đào tạo để đảm nhận những vị trí quan trọng trong công ty.
“Ngoài ra, để giữ chân người lao động, mỗi dịp tết đến, công ty đều hỗ trợ kinh phí và tổ chức những chuyến xe đưa, đón cán bộ, công nhân viên về địa phương, sau tết đón trở lại làm việc. Chúng tôi thường xuyên nắm bắt các trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ”, bà Hoa thông tin.
UBND huyện Đakrông và Công ty Cổ phần thực phẩm Famisea đã ký thỏa thuận hợp tác về giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở đó, hai bên phối hợp tuyên truyền thông tin về môi trường làm việc, nhu cầu tuyển dụng để người lao động trên địa bàn nắm bắt. Hằng năm, công ty đều có đợt tuyển dụng trực tiếp tại địa phương, nhất là vào dịp sau tết Nguyên đán.
“Về phía địa phương, hằng năm huyện đều tổ chức vào thăm công nhân nhằm động viên người lao động và phối hợp giải quyết các nội dung về đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động cũng như đơn vị tuyển dụng. Chúng tôi luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để công ty tuyên truyền và tuyển dụng lao động có chất lượng trên địa bàn huyện”, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đakrông Nguyễn Xuân Quang cho biết.
Các huyện miền núi của tỉnh có lực lượng lao động dồi dào, người lao động được đánh giá có nhiều ưu điểm như trung thực, chịu khó học hỏi, siêng năng, đoàn kết... Đây là yếu tố để thu hút các công ty trong nước lựa chọn tuyển dụng lao động.
Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người lao động tiếp cận được với nguồn thông tin tuyển dụng; mở rộng cơ hội hợp tác với các công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn, có uy tín để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động ở địa phương.
Minh Thảo