Tích cực chăm lo
Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú cho biết: “Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng khởi sắc”.
Tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020, kinh phí trên 35 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS; chương trình cho vay tín dụng hộ DTTS nghèo; tích cực đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS theo Quyết định 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
An Giang luôn quan tâm chăm lo đời sống của các dân tộc thiểu số
Về công tác giáo dục, tỉnh đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, với 3 trường phổ thông dân tộc nội trú và 21 trường dạy tiếng dân tộc. Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đầu tư bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất cho 3 trường phổ thông dân tộc nội trú, tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai đầy đủ chế độ về học bổng, học phẩm, trang bị hiện vật cho học sinh; chế độ chính sách cho giáo viên giảng dạy các lớp dân tộc nội trú.
“5 năm qua, tỉnh đào tạo nghề cho hơn 7.264 đồng bào DTTS, đặc biệt là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy. Hiện nay, tỉnh có Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang (huyện Tri Tôn) làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực là đồng bào DTTS giỏi chuyên môn, vững tay nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, tỉnh có một số mô hình đào tạo nghề gắn với vùng đồng bào DTTS, như: Dệt thổ cẩm Khmer ở xã Văn Giáo (TX. Tịnh Biên), may dân dụng của đồng bào DTTS Chăm” - ông Nguyễn Phú cho biết thêm.
Không chỉ chăm lo đời sống kinh tế, tỉnh còn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS. Vào các dịp lễ trọng, Tết cổ truyền đồng bào DTTS, các cấp, ngành luôn tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cơ sở thờ tự, chức sắc, cán bộ tiêu biểu người DTTS…, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo là DTTS Khmer, Chăm đón Tết truyền thống, tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng/năm.
Niềm tin vào Đảng, Nhà nước
Những ngày qua, hòa thượng Chau Sơn Hy (sãi cả chùa Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) vô cùng phấn khởi chờ đón Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh An Giang lần thứ IV/2024 chính thức diễn ra. Với vị sãi cả này, đại hội là ngày của tình đoàn kết, là nơi thể hiện niềm tin, kỳ vọng của cộng đồng các DTTS tại tỉnh, trong đó có đồng bào DTTS Khmer đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của chính quyền các cấp.
Hòa thượng Chau Sơn Hy bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh An Giang đối với đời sống người Khmer
“Những năm qua, người DTTS Khmer huyện Tri Tôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần. Sư vui nhất là đời sống của bà con Khmer ở xã Lương Phi ngày càng khởi sắc, thanh niên có việc làm ổn định, trẻ nhỏ được đến trường. Đặc biệt, những gia đình nghèo cũng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuộc sống tốt hơn ngày trước. Sư rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để người DTTS Khmer vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ khá giàu, nhà cửa đủ tiện nghi” - hòa thượng Chau Sơn Hy phấn khởi.
Về phía mình, đồng bào DTTS xã Lương Phi luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng tham gia chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Giờ đây, nhà của người Khmer sáng ánh điện về đêm, nước máy vào tận bếp, mấy cháu nhỏ cặm cụi bên quyển vở trắng tinh với những bài học mới.
“Người Khmer đa số vượt qua cái đói, giờ bà con chỉ lo xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Sư hay khuyên bảo bà con phải nêu cao tình đoàn kết, không phân biệt dân tộc, bởi tất cả đều là người Việt Nam. Lần này, đến với Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh An Giang, sư muốn gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền vì sự quan tâm, chăm lo cho đời sống bà con những năm qua. Mong muốn, người Khmer tiếp tục được chăm lo điều kiện làm ăn, sản xuất vươn lên khá giàu, em cháu được học hành để có kiến thức về phục vụ quê hương mình” - hòa thượng Chau Sơn Hy bày tỏ.
Không riêng hòa thượng Chau Sơn Hy, mà đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh An Giang lần IV/2024 đều có chung niềm phấn khởi, kỳ vọng, tin tưởng vào sự chăm lo, đồng hành của các cấp, ngành trên mọi mặt đời sống. “Những kết quả trên không chỉ dừng lại ở con số, mà còn thể hiện qua niềm tin của cộng đồng các DTTS đối với Đảng, Nhà nước. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em, cùng xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Nguyễn Phú khẳng định.
THANH TIẾN