Có nên xem livestream là một nghề và cần cấp phép cho KOL?

Có nên xem livestream là một nghề và cần cấp phép cho KOL?
2 giờ trướcBài gốc
Lời tòa soạn: Quản lý KOL như thế nào để môi trường mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh và mang lại giá trị tích cực là điều cơ quan quản lý đang hướng đến. VietNamNet xin giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài viết liên quan đến đề xuất quản lý KOL được Bộ TT&TT đưa ra.
Bài 1: Bộ TT&TT đề xuất quản lý và sử dụng KOL tại Việt Nam
Bài 2: Hai minh bạch, một toàn diện trong quản lý KOL tại Mỹ
Bài 3: Trung Quốc không dung thứ KOL ‘sống lệch, sống lỗi’
Bài 4: KOL cần minh bạch khi livestream quảng cáo sản phẩm
Bài 5: Phạt như 'muỗi đốt inox', KOL bất chấp để phạm luật
Livestream hoàn toàn có thể xem là một nghề
Mặc dù chưa chính thức công nhận là một nghề, nhưng hiện nay tại Trung Quốc đã có Hiệp hội dịch vụ livestream do nhà nước điều hành, có ít nhất 15 triệu người phát trực tiếp hay còn gọi "wangluo zhubo” vào cuối năm 2023.
Việc chưa được công nhận là một nghề, điều đó có nghĩa là những người livestream không đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ trong các lĩnh vực như đào tạo và phát triển.
Nhưng điều này có thể sớm thay đổi khi ngày 24/5 vừa qua, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã công bố danh sách 19 lĩnh vực sẽ chính thức được công nhận là một nghề, trong đó có livestream.
Động thái này diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tìm cách củng cố thị trường việc làm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên gia tăng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước hàng loạt thách thức trong và ngoài nước.
Livestream hoàn toàn có thể được xem là một nghề. Ảnh minh họa: Unsplash
Trao đổi về vấn đề này với PV VietNamNet, Tiến sỹ Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hữu Nghị, một trường đang có đào tạo lĩnh vực livestream cho biết, livestream hoàn toàn có thể được coi là một nghề trong bối cảnh hiện nay.
Theo tiến sỹ Phạm Kim Thư, sự phát triển của Internet, mạng xã hội, và các nền tảng phát trực tuyến như YouTube, Facebook, X, TikTok… đã tạo điều kiện cho nhiều người kiếm sống bằng cách livestream nội dung.
Đây là một lĩnh vực có tiềm năng lớn, đặc biệt đối với những ai có khả năng thu hút khán giả thông qua nội dung sáng tạo, tương tác tốt và khả năng duy trì sự quan tâm của người xem. Và nó hội tụ đủ các yếu tố để coi là một nghề như: Thu nhập từ nhiều nguồn - người livestream có thể kiếm tiền từ nhiều nguồn khác nhau như quảng cáo, tài trợ, quyên góp từ người xem, bán hàng (livestream bán hàng), hoặc thậm chí là bán nội dung trả phí.
Phát triển thương hiệu cá nhân: Nhiều người sử dụng livestream để xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân hoặc thương hiệu doanh nghiệp. Họ thu hút người theo dõi thông qua sự chuyên nghiệp, cá tính, và nội dung đặc sắc.
Yêu cầu kỹ năng và thời gian: Livestream không chỉ đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và tương tác tốt với khán giả, mà còn đòi hỏi khả năng tổ chức, sáng tạo nội dung, cũng như kiến thức về công nghệ livestream. Để thành công trong lĩnh vực này, cần đầu tư thời gian và công sức đáng kể.
Nền tảng pháp lý và cơ sở hạ tầng: Nhiều quốc gia đã bắt đầu xem xét livestream như một ngành nghề hợp pháp, với các quy định về thuế và pháp lý, cho thấy sự công nhận của xã hội đối với công việc này.
Người đứng đầu Trường Cao đẳng Hữu Nghị cho rằng, livestream hoàn toàn có thể là một nghề nếu người thực hiện có chiến lược phát triển đúng đắn.
Ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc tăng trưởng của Tonkin Media chia sẻ thêm, với sự phát triển của livestream hiện nay, trong ngắn hạn và trung hạn rất khó có một lĩnh vực khác thay thế, vì thế hoàn toàn có thể xem đây là một nghề. Nhưng cần phải có các quy định rõ các kỹ năng cần có khi hành nghề, những người làm livestream như KOL đều phải qua đào tạo và họ cần ý thức được khả năng của mình gây ảnh hưởng đến người xem như thế nào.
Cần cấp phép cho hoạt động livestream hay không?
Một diễn viên hoàn toàn không có chuyên môn gì về ngành y, thế nhưng vẫn nhận hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để livestream quảng cáo thuốc; Một người không biết gì về luật nhưng lại livestream bàn luận, phân tích các vụ án một cách thoải mái, điều này đặt ra vấn đề liệu có cần chứng chỉ thì các KOL mới được hoạt động livestream.
Tiến sỹ Phạm Kim Thư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hữu Nghị cho rằng, để cấp phép cho hoạt động livestream cần được xem xét theo từng khía cạnh cụ thể. Mặc dù livestream là một hình thức tự do bày tỏ, tương tác và chia sẻ, một số lĩnh vực nhất định có thể cần phải điều chỉnh và quản lý chặt chẽ hơn.
Theo tiến sỹ Phạm Kim Thư, có những trường hợp cần cấp phép khi livestream, chẳng hạn như livestream bán hàng và thương mại điện tử: Khi hoạt động livestream mang tính chất thương mại như bán hàng, quảng bá sản phẩm, hoặc các hoạt động kinh doanh, việc cấp phép hoặc ít nhất là yêu cầu đăng ký kinh doanh sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, quyền lợi của người tiêu dùng và tạo sự công bằng trong kinh doanh. Điều này cũng giúp cơ quan thuế dễ dàng quản lý và thu thuế từ nguồn thu nhập của các cá nhân hoặc doanh nghiệp từ hoạt động này.
Quản lý nội dung nhạy cảm: Nếu livestream liên quan đến các lĩnh vực như thông tin chính trị, sức khỏe, giáo dục hoặc các chủ đề có khả năng tác động đến xã hội lớn, việc cấp phép có thể cần thiết để kiểm soát chất lượng thông tin. Điều này giúp ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch hoặc gây hại cho cộng đồng.
Bản quyền và sở hữu trí tuệ: Livestream có sử dụng nội dung thuộc sở hữu trí tuệ của người khác (âm nhạc, video, hình ảnh) cần được kiểm soát để tránh vi phạm bản quyền. Việc cấp phép hoặc xác nhận quyền sở hữu nội dung trước khi phát trực tiếp sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ và nhà sáng tạo.
Đồng thời những trường hợp không cần cấp phép như livestream cá nhân, tương tác xã hội: Nếu nội dung livestream chỉ đơn giản là tương tác cá nhân, giải trí, chia sẻ đời sống, kinh nghiệm cá nhân, thì việc cấp phép là không cần thiết. Điều này đảm bảo quyền tự do biểu đạt của cá nhân mà không gây rào cản hành chính không cần thiết.
Hoạt động livestream phi lợi nhuận hoặc giáo dục cộng đồng: Các buổi phát sóng phục vụ mục đích phi lợi nhuận như chia sẻ kiến thức, giáo dục miễn phí, hoặc gây quỹ từ thiện thường không cần cấp phép, miễn là không vi phạm các quy định về nội dung hoặc pháp luật.
Ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc tăng trưởng của Tonkin Media cũng cho rằng, tùy từng lĩnh vực mà cần phải cấp phép cho hoạt động livestream. Theo ông, ngày xưa khi đề cập đến vấn đề cấp phép mọi người thường sợ có tiêu cực, nhưng giờ đây mọi thứ đều được minh bạch hóa, chỉ cần xây dựng một bộ tiêu chí rõ ràng, những người livestream hay KOL đáp ứng được thì sẽ cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Hải Siêu, chuyên gia về chiến lược tăng trưởng đột phá, livestream là một lĩnh vực đơn giản không cần giấy phép, chẳng hạn như livestream bán hàng cũng giống như nhân viên bán hàng mà sử dụng nền tảng của đơn vị khác.
Ở đây có giấy phép hay không thì khi sai chỉ cần xử phạt là mọi người sẽ chấp hành, quan trọng là cần có cơ chế xử phạt nghiêm và mức phạt đủ sức răn đe hơn so với trước đây.
Ông Lê Bá Hải Siêu phân tích, cơ quan chức năng có thể dùng công nghệ như lắng nghe mạng xã hội (social listening) hoặc các công nghệ khác để rà quét người vi phạm và xử phạt và với nền kinh tế online thì không nên dựng ra quá nhiều giấy phép.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO của Buzi Agency, ở đây nếu sử dụng cơ chế giám sát thì hoàn toàn có thể không cần cấp phép cho hoạt động livestream. Cụ thể, cơ quan quản lý cần có một đơn vị giám sát, theo dõi và nhận các khiếu nại từ hoạt động của những người livestream, khi phát hiện vi phạm ngay lập tức tiến hành xử lý, sẽ đơn giản hơn so với việc cấp phép.
Bên cạnh đó, cần kết hợp với công tác tuyên truyền, Nhà nước cần tạo ra những hình tượng KOL livestream tốt, lành mạnh, tuân thủ các quy định và kết hợp với các nền tảng để truyền thông, xây dựng hình ảnh… có như thế những người livestream tiêu cực sẽ dần không còn nữa.
Lê Mỹ
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/co-nen-xem-livestream-la-mot-nghe-va-can-cap-phep-cho-kol-2331776.html