Nhiều quan niệm về cách cúng ông Công ông Táo
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ là 3 vị thần phụ trách phần Bếp núc, trông coi Nhà cửa, và phụ trách phần Chợ búa, được phái xuống hạ giới để theo dõi những việc làm thiện - ác của loài người. Các vị thần này thường được gọi nôm na là Táo quân hoặc ông Táo.
Ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch hàng năm), các Táo quân cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo các công việc trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người (theo văn hóa Á Đông). Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời là phong tục truyền thống, không thể thiếu của các gia đình.
Ảnh minh họa.
Hiện nay, có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về cách cúng ông Công ông Táo. Có nơi thực hiện nghi lễ và mâm cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ông Thổ địa và ông Táo là hai vị thần khác nhau. Ông Táo là thần cai quản bếp núc trong mỗi gia đình. Vì vậy, trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp để giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình sung túc, thuận hòa. Còn ông Thổ địa được cúng trên bàn thờ gia tiên.
Trao đổi với Phụ Nữ Việt Nam về vấn đề này, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường (Hà Nội) cho biết: Tục thờ cúng Tổ tiên có từ khởi thủy và biến thiên theo thời gian, phong tục Bắc – Nam cũng khác, mỗi nhà mỗi cảnh.
Nhà thì có một bàn thờ chung, gộp cả Bụt (Phật), thánh thần, quan thần linh Táo quân, thổ địa, gia tiên vào chung một lư hương to. Nhà thì có tới 3 lư hương, được bài trí ngang hàng, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là lư hương thờ ông hoàng, ông mãnh, bà Tổ cô, bên phải thờ gia tiên nhiều đời, lư ở giữa thờ công đồng các vị thần linh, thổ công thổ địa. Nhà thì rạch ròi phải có đủ 3 bàn thờ: Một bàn thờ Bụt, một bàn thờ gia tiên, một bàn thờ thần tài để riêng, gần cửa để đón phúc – lộc – thọ vô nhà.
Chuyện đúng sai miễn bàn vì người Việt thờ đa thần.
Tùy theo tâm thức mỗi người, tùy gia cảnh và tâm lý đám đông nên cũng có sự khác biệt ít nhiều, nhưng việc thờ cúng luôn được chú trọng để tâm hàng đầu.
Ngày 23 tháng Chạp hay ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày cúng gia tiên nhân dịp cuối năm, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết và mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt.
Sau khi tiễn đưa ông Táo về giời, mọi người thường bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ thờ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh dân gian, câu đối, cắm hoa… chuẩn bị nghênh đón năm mới.
Điều cốt yếu là lòng thành kính hướng về tổ tiên, làm nhiều việc thiện tích công tích đức hàng ngày cho bản thân và những người xung quanh, trong đó có việc hồi hướng phước đức cho gia tiên tiền tổ nhà mình.
Những điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo
-Thời điểm cúng
Trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho rằng các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp. Theo đó, nên cúng sớm nhất là từ ngày 20 đến 23 tháng Chạp.
Theo tín ngưỡng dân gian, 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
- Lễ vật cúng
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường có 3 chiếc mũ ông Công, trong đó hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Ở nhiều nơi, người ta chỉ sử dụng 1 chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Màu sắc áo mũ của ông Công ông Táo thay đổi theo ngũ hành.
Những đồ vàng mã này (mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ, sau đó, lập bài vị mới cho Táo Công.
Ngoài ra, để Táo quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được"phóng sinh" (thả ra ao, hồ hay ra sông sau khi cúng).
Ở miền Trung, người ta cúng 1 con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
-Mâm cỗ cúng
Tùy theo điều kiện, ngoài các lễ vật chính kể trên, các gia đình hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân về trời.
Ảnh minh họa.
Mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống thường gồm các món cơ bản như gạo, muối, thịt vai lợn luộc, bát canh mọc, món xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, bưởi, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, tiền vàng mã.
Mâm cỗ cúng cần đặt ở vị trí cao ráo và trang trọng trong khu vực bếp, tránh để dưới đất nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm và thể hiện lòng thành kính của gia đình.
Các bà nội trợ hoặc người trong gia đình được giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ cần mặc trang phục nghiêm chỉnh, lịch sự và trong quá trình làm lễ cúng tránh cười đùa lớn tiếng mà cần tĩnh lặng, khấn nhẹ nhàng, trang nghiêm.
-Sử dụng cá chép trong lễ cúng
Yếu tố không thể thiếu trong lễ cúng này là cá chép. Cá chép không chỉ là biểu tượng cho việc Ông Táo lên chầu trời mà còn thể hiện tinh thần từ bi và hy vọng về sự phát đạt của gia đình. Việc thả cá cần được thực hiện một cách cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến môi trường và đảm bảo sự sống cho cá.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo
Minh Hoa (t/h)