Đằng sau quyết định hòa hoãn thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc

Đằng sau quyết định hòa hoãn thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc
12 giờ trướcBài gốc
Sau những tháng ngày căng thẳng với các mức thuế quan đẩy thương mại toàn cầu đến bờ vực sụp đổ, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm ngưng thương chiến sau cuộc gặp giữa đại diện thương mại hai bên tại Geneva (Thụy Sĩ), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận này, được công bố vào ngày 12/5, không chỉ xoa dịu những lo ngại về suy thoái kinh tế mà còn mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn trong tương lai. Theo đó, Mỹ đồng ý cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày, trong khi Bắc Kinh giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%.
Giới phân tích nhận định đằng sau sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại là những tính toán chiến lược từ cả Mỹ và Trung Quốc. Hình minh họa: VCG
Đây là một bước lùi đáng kể so với các mức thuế “Ngày Giải phóng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt vào ngày 2/4, vốn từng được ví như một lệnh cấm vận thương mại toàn diện. Kết quả này vượt xa kỳ vọng của Trung Quốc, khiến cổ phiếu và đồng USD tăng vọt, đồng thời mang lại sự cứu trợ kịp thời cho Tổng thống Trump, người đang đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng trong nước.
Sức ép về kinh tế
Giới phân tích nhận định đằng sau sự hạ nhiệt này là những tính toán chiến lược từ cả hai phía. Đối với Trung Quốc, quyết định kiên trì đối đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được đền đáp. Bắc Kinh không chỉ bảo vệ được các lợi ích cốt lõi mà còn giành được những nhượng bộ đáng kể từ Washington.
Điều này được thể hiện ở việc Mỹ đã đồng ý đình chỉ mức thuế đối ứng 34% áp lên Trung Quốc, đưa mức thuế xuống ngang bằng với các đồng minh như Vương quốc Anh. Ngoài ra, việc thiết lập một cơ chế đàm phán do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu và cam kết hành động mạnh mẽ để ngăn chặn dòng chảy fentanyl đã đáp ứng gần như toàn bộ yêu cầu của Trung Quốc. Chuyên gia Trey McArver, đồng sáng lập tổ chức Trivium China, nhận định đây là kết quả “tốt nhất mà Trung Quốc có thể hy vọng”, củng cố niềm tin của Bắc Kinh rằng họ đang nắm giữ đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã phải đối mặt với những giới hạn từ phong cách đàm phán thương mại gây sốc của mình. Các mức thuế 3 chữ số đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy nhiều doanh nghiệp Mỹ đến bờ vực phá sản và khiến hoạt động sản xuất suy giảm. Áp lực từ các nhóm vận động hành lang doanh nghiệp, các nhà đầu tư và thậm chí các thành viên trong đảng Cộng hòa, với lo ngại về nguy cơ mất thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, buộc nhà lãnh đạo Mỹ phải nhượng bộ.
ĐỌC NGAY: Thị trường khởi sắc sau tiến triển mới trong đàm phán Mỹ - Trung
Ngoài ra, động thái xuống thang này phản ánh thực tế rằng cả hai quốc gia đều không thể chịu đựng được cái giá của một cuộc "ly hôn" kinh tế toàn diện. Ở Trung Quốc, một số ghi nhận về việc các nhà máy bắt đầu đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang gây tác động đến sự ổn định kinh tế trong nước. Trong khi đó tại Mỹ, thuế quan đã làm tổn thương chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến lượng hàng hóa nhập cảng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, gây tâm lý lo ngại về vật giá tăng cao đối với người tiêu dùng trong nước.
Những thách thức còn lại
Thỏa thuận mới đạt được tại Geneva, dù là một bước tiến, nhưng không phải là lời giải cuối cùng cho những căng thẳng thương mại giữa hai nước. Với thời hạn 90 ngày để đạt được một thỏa thuận rộng hơn, cả Mỹ và Trung Quốc đứng trước một loạt thách thức phức tạp. Trong đó, các vấn đề như thặng dư thương mại của Trung Quốc, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ vẫn là những rào cản lớn.
Ông Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cảnh báo 3 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để giải quyết những vấn đề này, vốn thường đòi hỏi hơn một năm đàm phán.
Đối với các doanh nghiệp, mức thuế 30% vẫn là một gánh nặng đáng kể. Theo Phòng thí nghiệm Ngân sách Đại học Yale (Mỹ), mức thuế quan trung bình của Mỹ vẫn ở mức 17,8%, cao nhất kể từ năm 1937. Các nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu, dù nhẹ nhõm với sự hạ nhiệt tạm thời, vẫn lo ngại về chi phí tăng cao và sự bất ổn dài hạn.
Ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, cho biết 90 ngày là không đủ để khởi động lại hoàn toàn các chuyến hàng từ Trung Quốc, đặc biệt khi tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thận trọng. Các nhà phân tích dự đoán nhiều doanh nghiệp sẽ tranh thủ thời gian này để vận chuyển hàng tồn kho, song những mặt hàng trở lại trường học hay mùa lễ hội cuối năm có thể vẫn bị ảnh hưởng.
Về phía Tổng thống Trump, thỏa thuận này được mô tả như một “khởi đầu mới” của các cố vấn như Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Tuy nhiên, những người hoài nghi chỉ ra rằng các cuộc đàm phán tương lai có thể chỉ là sự lặp lại của thỏa thuận Giai đoạn 1 năm 2020, vốn thất bại trong việc buộc Trung Quốc thực hiện cam kết mua hàng. Bắc Kinh, với chiến lược giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và mở rộng quan hệ với các nước như Brazil, dường như đang ở vị thế mạnh hơn để định hình các cuộc đàm phán sắp tới.
Thỏa thuận "đình chiến" tại Geneva là minh chứng cho sức mạnh kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng là lời nhắc nhở về những giới hạn của các chính sách cực đoan. Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố đây là một "chiến thắng" và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế, hai bên đều nhận ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế là không thể phủ nhận.
Việt Anh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dang-sau-quyet-dinh-hoa-hoan-thuong-chien-giua-my-va-trung-quoc.702490.html