Các căn biệt thự bỏ hoang ở KĐT Lideco (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: N.D
Chưa đánh thuế bất động sản thứ hai
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này gửi đến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan tới đánh thuế bất động sản thứ hai.
Cử tri cho rằng đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững, không nên trở thành rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản và có nguy cơ tạo sự không đồng thuận của xã hội.
Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp cho phù hợp, vừa hạn chế tình trạng đầu cơ, ảnh hưởng bất lợi cho thị trường bất động sản, vừa tạo sự đồng thuận của xã hội.
Phản hồi kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật hiện hành quy định bất động sản bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu và sử dụng bất động sản, Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn.
Cụ thể gồm: Xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trường hợp nộp một lần cho cả thời gian thuê, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất nộp hàng năm) và chuyển nhượng bất động sản (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, các khoản thu trong quá trình sử dụng bất động sản chưa áp dụng đối với nhà.
Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản trong thời gian qua để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp.
Đồng thời, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.
Biệt thự bỏ hoang ở KĐT An Khánh (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: N.D
Cân nhắc khi chưa đưa ra các quy định liên quan là cần thiết
Trước đó, vào tháng 9/2024, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Cụ thể, tại Công văn 5333/BXD-QLN nêu rõ, để khắc phục tình trạng tăng giá nhà ở, bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu giá sát với thực tế khu vực. Rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời…
Tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, nghiên cứu, đề xuất có chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Nghiên cứu có chính sách đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai, đánh thuế đối với nhà, đất bỏ hoang.
Về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023… được ban hành và có hiệu lực thi hành, từ đó giải quyết các vướng mắc khó khăn về thể chế, quy định pháp luật đối với cá nhân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là Luật Kinh doanh bất động sản 2023, do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành được thực thi có kết quả, “đi vào cuộc sống”.
Bên cạnh đó, biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư.
Việc Bộ Tài chính cân nhắc khi chưa đưa ra các quy định liên quan đến áp thuế đối với bất động sản thứ hai là cần thiết.
“Chúng ta đang mong muốn một chế tài vừa đảm bảo được nhu cầu bảo toàn vốn và nhà ở cho nhân dân, doanh nghiệp, mặt khác vừa đảm bảo được sự ổn định của thị trường. Thực tế đang cho thấy, dù là người dân hay giới đầu cơ, hễ bán nhà là phải có lãi nhiều hơn so với vốn mua bỏ ra ban đầu, dẫn tới giá nhà, đất chỉ có tăng chứ ít chịu giảm. Thuật ngữ bán cắt lỗ của không ít cá nhân, doanh nghiệp chỉ là cách nói, cách giảm bớt lợi nhuận chứ không phải cách đưa sản phẩm về đúng giá trị. Như vậy, bài toán cuộc sống, nhà ở của người có thu nhập trung bình ngày càng khó khăn, xa vời vì lương thưởng không thể đuổi kịp giá nhà ở, bất động sản…” - luật sư Nguyễn Phương Tuyến cho biết.
Minh Dương