ĐBQH đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh

ĐBQH đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.
Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Góp ý Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11.
Đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh “trong trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh.
Điều đó có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành.
Do đó, Đại biểu đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.
Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, sửa đổi toàn diện về tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, tác động lớn đến tổ chức bộ máy, hoạt động kinh tế - xã hội.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương hai cấp, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây.
Qua đó, tránh bỏ sót, chồng chéo, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.
Đối với quy định về phân quyền tại khoản 3 Điều 12 của dự thảo Luật, đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo luật, cho phép UBND tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về việc xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của UBND tỉnh.
Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ sau khi được đề xuất của UBND tỉnh về phân quyền như đã được quy định tại khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật về phân cấp.
Từ đó, đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, thuận lợi trong thực tiễn thực hiện.
Vân Huyền
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dbqh-de-nghi-quy-dinh-ro-hon-trach-nhiem-cua-ubnd-chu-tich-ubnd-cap-tinh-post731044.html