Yêu thương và sẻ chia để tạo dựng mái ấm hạnh phúc.
Nỗi đau còn đó
Thời gian gần đây, dư luận xã hội rúng động về câu chuyện một người mẹ ở tỉnh Quảng Nam đã nhẫn tâm giết chết 2 con trai của mình để trục lợi tiền bảo hiểm. Đau xót. Người xưa dạy: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy nhưng người mẹ ấy đã tước đoạt đi mạng sống của chính con đẻ để lấy tiền.
Không phải tôi mang chuyện ở xứ người để rào đón rồi kể lại nỗi đau mang tên bạo lực gia đình (BLGĐ) ở xứ Trà Thái Nguyên. Bởi thực tế cuộc sống có rất nhiều lý do khiến mái ấm gia đình có bạo lực. Chủ yếu xảy ra trong gia đình có lối sống thiếu bình đẳng, các thành viên thiếu tôn trọng lẫn nhau, cái tôi riêng quá lớn, không ai chịu nhún nhường và họ đã nói chuyện với nhau bằng chân tay, hoặc im lặng coi như không có nhau trong nhà.
Cuộc sống đời thường, trong gia đình ai cũng có thể trở thành người gây bạo lực hoặc bị bạo lực. Bạo lực diễn ra ở nhiều hình thức, chủ yếu dưới dạng thân thể, tinh thần, kinh tế và tình dục. Đối tượng bị bạo lực thường là người sống phụ thuộc, và xảy ra trong gia đình có nếp sống không bình đẳng.
Anh Hoàng Văn Thọ (ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Mỗi lần giận nhau, vợ lại dùng chiêu chiến tranh lạnh. Cả ngày không nói, hỏi cũng không thưa và mang đôi mắt “hình viên đạn” làm cả nhà phiền não.
Còn anh Trần Hùng Cường (ở phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) phàn nàn: Mọi người bảo tôi số đỏ, lấy vợ coi như “chuột sa chính gạo”. Nhưng trong tâm lúc nào cũng khổ vì mỗi lần không vui, vợ lại than phiền chuyện… chồng người ta.
Các cụ dạy: “Bát đĩa còn có khi xô, huống hồ chuyện vợ chồng”. Nhưng có những mái ấm “cơm đã sôi mà lửa không chịu nhỏ”. Vợ chồng ai nấy cãi cố, hết chịu nổi và bắt đầu động chân, động tay. Nhẹ nhàng cũng bầm tím mặt mày, nặng hơn thì đưa nhau vào bệnh viện cấp cứu…
Cho đến bây giờ nhiều người Thái Nguyên còn nhắc nhớ đến sự việc đau lòng xảy ra ở xã Sơn Phú (Định Hóa). Hoàng Minh Tuấn đã nhẫn tâm xuống tay chém chết vợ, rồi chém tiếp 5 người thân hắn gặp làm 4 người chết, 1 người nhập viện cấp cứu.
Chị Nguyễn Thị Dung (ở xã Thượng Đình, Phú Bình) được người trong vùng khen hiền ngoan. Vậy mà phút chốc hóa kẻ giết chồng. Hôm ấy chồng dùng kiếm dọa giết nếu chị không đưa tiền để hắn đi đánh bạc. Đã nhiều lần ấm ức, rồi như “giọt nước tràn ly”, chị quyết liệt phản kháng. Giật được thanh kiếm trong tay chồng, chị chút giận như một người điên, rồi ngồi bệt xuống đất, khóc nức nở cho thân phận mình.
Các thành viên Câu lạc bộ Khiêu vũ Sơn Ca tỉnh Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Cả xã hội cùng vào cuộc
Xây dựng gia đình theo chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là mục tiêu cả xã hội cùng hướng đến. Đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, Thái Nguyên luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác gia đình, lấy mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh làm định hướng để phát triển gia đình bền vững.
Bà Phạm Tuyết Bảo, Phó Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Gia đình là cái gốc của xã hội. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã vun bồi cho cái gốc ấy xanh tươi, đơm hoa, kết trái bằng các phong trào phát triển kinh tế gia đình; coi trọng công tác an sinh xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao. Các hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí thi đua phấn chấn, đồng thời tạo cho mọi người dân được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó kịp thời khuyên bảo, động viên nhau cùng xây dựng mái ấm gia đình không bạo lực.
Hằng năm các cấp, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt hoạt động chuyên đề có liên quan đến công tác gia đình, như chuyên đề hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ; xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh thời 4.0”; triển khai trên toàn tỉnh việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ, trên toàn tỉnh đã có gần 1.500 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; gần 1.000 nhóm phòng chống BLGĐ, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh xây dựng được đường dây nóng tiếp nhận thông tin về BLGĐ, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Tuy nhiên nhiều năm nay các địa chỉ tin cậy và tạm lánh trên toàn tỉnh không có nạn nhân đến tạm trú.
Điều đó thể hiện sự thành công khi vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các hoạt động tuyên truyền trực quan bằng khẩu hiệu, pano, áp phích; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng mạng xã hội đã góp phần nâng cao được nhận thức về công tác gia đình trong nhân dân. Nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu. Cùng với đó là hoạt động của tổ hòa giải cơ sở luôn kịp thời “hạ hỏa” những vụ việc tranh cãi không cần thiết.
Dù công việc bận rộn, song hằng ngày chị Đặng Thị Giang (ở phường Phố Cò, TP. Sông Công) luôn cố gắng dành thời gian cho con.
Nhiều gia đình trước đây vợ chồng thường mắng nhiếc lẫn nhau, sau khi được thành viên tổ hòa giải phân tích đã nhận thức được sai trái, từ bỏ hẳn để không xô đẩy gia đình vào cảnh tan vỡ.
Bà Nguyễn Thị Thắng (ở tổ dân phố An Châu, phường Mỏ Chè, TP. Sông Công) chia sẻ: Trong gia đình tôi, mọi người biết tôn trọng lẫn nhau nên trên dưới thuận hòa.
Chuyện xây dựng mái ấm không bạo lực, ông Ma Đình Được (ở xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình, Định Hóa) nói mộc mạc: Nhà phải có nóc, nghĩa rằng trong gia đình cần có tôn ty trật tự. Con cháu nói năng với người trên lễ phép. Ông bà, cha mẹ đối đãi với con cháu cũng có trước có sau, vợ chồng cần có sự bình đẳng.
“Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mong muốn của mọi người và cả xã hội. Để thành hiện thực, trước hết từng thành phải viên biết tôn trọng, nâng niu những giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống, không để các tệ nạn xã hội và lối sống thực dụng thâm nhập vào nếp sống gia đình. Chỉ có như thế BLGĐ mới chấm dứt, và yêu thương được vun bồi.
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Chí Cường