Đề nghị đơn vị nghiên cứu làm rõ vị trí xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Đề nghị đơn vị nghiên cứu làm rõ vị trí xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
9 giờ trướcBài gốc
Sau khi UBND TP.HCM có chủ trương làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới là Mediterranean Shipping Company – MSC) đã tiến hành nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Tuy nhiên, các bộ ngành cho rằng đơn vị nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề, chẳng hạn như vị trí xây dựng cảng, tác động của cảng đến môi trường…
Đầu tư cảng Cần Giờ trong 21 năm
Theo hồ sơ của đơn vị nghiên cứu, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Quy mô dự án rộng 571 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển gần 90 ha, còn lại là diện tích mặt nước.
Cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2 km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 113.531 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045. Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ xong vào năm 2027, với hai bến cảng dài hơn 1.000 m.
Mô phỏng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Phú Lợi. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM
Nhận xét về hồ sơ trên, Bộ GTVT khẳng định vị trí và công năng cảng phù hợp với quyết định của Thủ tướng. Số lượng bến cảng và chiều dài cầu cảng cũng như lộ trình đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ GTVT lập, tuy nhiên quy hoạch này chưa được Thủ tướng phê duyệt.
Về giao thông kết nối, Bộ GTVT nhận thấy đây là khu biệt lập, kết nối giao thông chỉ bằng đường thủy. Mới đây, TP.HCM cho biết tuyến đường bộ kết nối liên vùng đi qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được dự kiến đầu tư năm 2030.
“Việc chưa có kết nối giao thông bằng đường bộ đến cảng là một hạn chế trong việc đa dạng hóa các loại hình kết nối giao thông có thể làm giảm năng lực vận tải kết nối đến cảng. Trường hợp dự án được chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư cần xây dựng phương án tổ chức khai thác giao thông đường thủy, hàng hải hiệu quả, hợp lý”- Bộ GTVT nêu quan điểm
Về tác động của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến các cảng biển trong khu vực, Bộ GTVT nhận định do quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam được tính toán trên cơ sở dự báo hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, về cơ bản khối lượng hàng hóa qua cảng Cần Giờ gần như không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển theo quy hoạch của cảng biển Việt Nam nói chung và khu vực Cái Mép nói riêng.
Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý cơ quan chức năng khi lựa chọn nhà đầu tư cần yêu cầu cam kết “khoảng 75% hàng trung chuyển qua cảng”, để không ảnh hưởng đến hoạt động các khu bến cảng, cảng biển lân cận.
Cần làm rõ nhiều vấn đề về tác động môi trường
Về vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bộ TN&MT cho rằng hồ sơ chưa mô tả rõ vị trí cụ thể của dự án. Vì vậy, bộ đề nghị đơn vị nghiên cứu làm rõ vị trí cụ thể của dự án trong vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, khoảng cách vị trí đối với vùng lõi khu dự trữ sinh quyển và hiện trạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học khu vực dự án.
Thêm vào đó, hai đơn vị nghiên cứu phải bổ sung làm rõ hình ảnh hoặc bản đồ về vị trí và mối quan hệ của dự án đối với vùng đệm, vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Song song đó, xác định địa điểm của dự án đối với phân vùng môi trường theo quy định pháp luật để làm cơ sở nhận dạng và đánh giá sơ bộ các tác động của dự án đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.
Bộ TN&MT nêu rõ quan điểm, vị trí xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đảm bảo không làm ảnh hưởng đến vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển, hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái… theo quy định pháp luật Việt Nam và quy định của UNESCO.
Bộ TN&MT cũng lưu ý quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án cần tập trung vào các nội dung tác động đến đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, hệ sinh thái biển và các biện pháp giảm thiểu. Tác động môi trường do quá trình nạo vét, thi công, nhận chìm vật chất nạo vét và biện pháp giảm thiểu.
“Đơn vị nghiên cứu cũng cần quan tâm đến các vấn đề xói lở, bồi lắng và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình thi công và vận hành dự án…”- Bộ TN&MT cho hay.
Thêm vào đó, đơn vị nghiên cứu cũng được giao tham vấn các bên có liên quan, trong đó có Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về vấn đề môi trường.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc xây dựng cảng biển. Ảnh minh họa. Ảnh: CTV
Còn theo Bộ KH&ĐT, hồ sơ nghiên cứu đề xuất nhà đầu tư dự kiến giải ngân vốn 10 năm đầu hết 50.000 tỉ đồng, và giải ngân toàn bộ tiền trong 22 năm. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thời gian giải ngân vốn được thực hiện trong 5 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vì vậy, bộ đề nghị nhà đầu tư đề xuất quy mô tổng vốn của dự án và tiến độ thực hiện với quy định trên, để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án không quá dài và khả thi trong việc huy động vốn.
Về công nghệ, Bộ KH&ĐT đề nghị làm rõ số lượng thiết bị dự kiến đầu tư tương ứng với các giai đoạn phân kỳ đầu tư của dự án. “Lựa chọn thiết bị vận chuyển container tự động trong dự án và nghiên cứu phương án chủ động chuyển giao công nghệ của dự án”- Bộ KH&ĐT cho hay.
Để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, hiện Bộ KH&ĐT đang yêu cầu hai đơn vị nghiên cứu tiếp tục giải trình, làm rõ một số đề nghị trên của các bộ, ngành.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đã chủ trì họp về hồ sơ chủ trương đầu tư dự án bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn - cảng Cần Giờ.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ KH&ĐT trong quá trình thẩm định phải chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư, khai thác cảng biển. Cảng Cần Giờ chỉ thực hiện khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thêm vào đó, dự thảo quyết định chủ trương đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt phải tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát triển cảng đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
“Việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án kiên quyết không “hy sinh” môi trường, chỉ rõ khu vực, diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng ở đâu, tác động thế nào?”- Phó Thủ tướng đề nghị.
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-nghi-don-vi-nghien-cuu-lam-ro-vi-tri-xay-cang-trung-chuyen-quoc-te-can-gio-post810813.html