Đề xuất HĐND giới thiệu Chủ tịch tỉnh để Thủ tướng phê chuẩn

Đề xuất HĐND giới thiệu Chủ tịch tỉnh để Thủ tướng phê chuẩn
7 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương trao nhiều quyền hơn cho địa phương, song cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để đảm bảo điều hành linh hoạt, thống nhất toàn quốc hệ thống hành chính quốc gia.
Theo đại biểu, hiện dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định HĐND bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND. HĐND cũng sẽ bầu các phó Chủ tịch UBND, ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND. HĐND cũng sẽ miễn nhiệm các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn.
Tuy nhiên, cũng tại dự thảo luật lại quy định, khi Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch UBND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.
"Về mặt quy định thì quy định như dự thảo luật là đúng Hiến pháp nhưng về logic không đúng. HĐND bầu thì phải miễn nhiệm. Thủ tướng mà cách chức, điều động thì HĐND lại không miễn nhiệm. Còn nếu làm đúng, HĐND thực hiện miễn nhiệm thì lại rắc rối. Thủ tướng lại phải xin ý kiến HĐND mới được điều động, cách chức thì phức tạp trong quá trình điều hành," đại biểu Nguyễn Quang Huân phân tích.
Theo đó, đại biểu Huân đề xuất, nếu giữ quyền điều động, cách chức Chủ tịch UBND của Thủ tướng Chính phủ thì nên sửa đổi quy định về việc HĐND bầu chức danh này.
"Để thuận tiện, HĐND không phải bầu các chức danh Chủ tịch UBND nữa mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn," đại biểu Huân đề nghị.
Với các chức danh phó chủ tịch, thành viên khác của UBND, theo đại biểu đề, Chủ tịch UBND sẽ giới thiệu phó chủ tịch, thành viên khác để HĐND phê chuẩn một lần tại đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động các chức danh này thì Chủ tịch UBND chỉ báo cáo HĐND là được.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Media Quốc hội.
Làm rõ thẩm quyền của trực tiếp chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh
Cũng góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tại khoản 4 Điều 11
Theo đại biểu, cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện.
Bởi, quy định trong Dự thảo hiện còn rất chung chung thẩm quyền này của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, "trong trường hợp cần thiết" là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành.
"Do đó đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã," đại biểu bày tỏ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong thực hiện.
Để đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả trong quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, cần thiết đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là luật chuyên ngành. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát văn bản quy định pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho phù hợp.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Media Quốc hội.
Cũng về mô hình chính quyền địa phương chỉ còn 2 cấp, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, theo dự thảo tại khoản 4, Điều 11, trong trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh cũng như UBND cấp xã. Đây là nội dung rất quan trọng, vì cần phân định rõ ràng để các cấp chính quyền nhận thức được nhiệm vụ, quyền hạn của mình và chủ động trong thực hiện theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi cho rằng dự thảo chưa xác định rõ "trường hợp cần thiết" là những trường hợp nào. Nếu không quy định rõ, điều này có thể dẫn đến sự lúng túng trong xử lý công việc ở cả cấp trên và cấp dưới.
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Media Quốc hội
"Việc quy định như dự thảo chưa rõ những trường hợp nào là cần thiết để cấp trên chỉ đạo giải quyết những công việc của cấp dưới, dẫn đến sẽ không chủ động trong giải quyết công việc," đại biểu nêu.
Đại biểu cũng cho rằng khi đã phân định rõ ràng, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các xã, phường, đặc khu cần phải chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. UBND và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ nên đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc, không nên trực tiếp giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn cấp dưới.
Đặc biệt, trong bối cảnh sau sáp nhập xã, khi không tổ chức cấp huyện, số đầu mối thuộc UBND tỉnh sẽ tăng lên, việc để Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xử lý công việc của cấp xã sẽ tạo thêm áp lực và khó đảm bảo hiệu quả công việc.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-hdnd-gioi-thieu-chu-tich-tinh-de-thu-tuong-phe-chuan-41492.html