Đề xuất tính 20% thuế thu nhập cá nhân theo từng giao dịch chuyển nhượng bất động sản

Đề xuất tính 20% thuế thu nhập cá nhân theo từng giao dịch chuyển nhượng bất động sản
một ngày trướcBài gốc
Theo nội dung dự thảo, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ đi giá mua và các chi phí hợp lý có liên quan. Mức thuế suất áp dụng là 20% trên phần thu nhập chênh lệch thực tế. Trường hợp không xác định được giá mua hoặc các chi phí liên quan, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính theo mức thuế suất tối đa 10%, tùy theo thời gian nắm giữ bất động sản, được tính từ ngày cá nhân có quyền sở hữu, sử dụng đến ngày chuyển nhượng, kể từ thời điểm luật có hiệu lực.
Riêng với các trường hợp nhận thừa kế, thuế suất vẫn giữ ở mức 2% như hiện hành. Bộ Tài chính lý giải rằng việc nhận thừa kế là sự dịch chuyển tài sản không mang yếu tố trao đổi thương mại, nên không tính theo thời gian nắm giữ như các trường hợp mua bán thông thường.
Hiện nay, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (2015), thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản được tính bằng 2% giá trị chuyển nhượng, không xét đến lãi hay lỗ. Nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp này tuy đơn giản và dễ quản lý nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập. Người bán thường có xu hướng khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu ngân sách và tạo ra sự thiếu minh bạch trên thị trường.
Một số chuyên gia kiến nghị rằng trong trường hợp người chuyển nhượng không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh giá mua và chi phí liên quan, cơ quan thuế có thể áp dụng phương án khoán, dựa trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định để tính thu nhập chịu thuế theo tỷ lệ 1-2%. Cách làm này được cho là vừa sát thực tế, vừa có thể giảm gánh nặng hành chính và tránh tranh chấp giữa người dân và cơ quan thuế.
Thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp đánh thuế thu nhập cá nhân theo từng lần chuyển nhượng bất động sản như một công cụ điều tiết thị trường và chống đầu cơ. Chẳng hạn, tại Đức, cá nhân chỉ được miễn thuế thu nhập từ bất động sản nếu nắm giữ tài sản trên 10 năm hoặc không phục vụ mục đích kinh doanh. Nếu không, mức thuế suất dao động từ 14% đến 42%.
Tại Singapore, người bán nhà trong vòng một năm kể từ khi mua sẽ bị đánh thuế lên đến 100% phần lợi nhuận, sau đó giảm dần theo thời gian nắm giữ. Còn tại thành phố San Francisco (Mỹ), người chuyển nhượng nhiều bất động sản trong vòng 5 năm sẽ phải chịu mức thuế chuyển nhượng nhà ở từ 14% đến 24%.
Bộ Tài chính cho rằng việc chuyển đổi sang phương pháp tính thuế trên cơ sở thu nhập theo từng lần giao dịch sẽ tiệm cận với cách tính của thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống dữ liệu giao dịch bất động sản đầy đủ, minh bạch. Ngoài ra, cần đồng bộ các chính sách liên quan đến đất đai, và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác đăng ký, định giá, chuyển nhượng tài sản để hỗ trợ việc xác định giá mua, chi phí đầu tư cũng như theo dõi dòng tiền của các giao dịch.
Việc cải tiến phương pháp tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo hướng bám sát thu nhập thực tế là tín hiệu tích cực, cho thấy quyết tâm cải cách chính sách thuế, đảm bảo công bằng cho người nộp thuế và tăng hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để hạn chế tối đa xung đột, đảm bảo tính minh bạch, khả thi và đồng thuận cao từ phía người dân.
Ngọc Nga
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-tinh-20-thue-thu-nhap-ca-nhan-theo-tung-giao-dich-chuyen-nhuong-bat-dong-san-320181.html