Điểm mạnh nổi trội của công nghệ điện hạt nhân Trung Quốc

Điểm mạnh nổi trội của công nghệ điện hạt nhân Trung Quốc
2 ngày trướcBài gốc
Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Lò phản ứng điện hạt nhân Hoa Long 1, đại diện cho thế hệ công nghệ hạt nhân thứ ba, đang khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu với số lượng lò phản ứng đang hoạt động và xây dựng nhiều nhất thế giới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghệ hạt nhân của Trung Quốc. Tính đến nay, đã có 33 tổ máy Hoa Long 1 được vận hành và xây dựng cả trong nước lẫn quốc tế.
Chủ tịch Công ty TNHH Năng lượng Chương Châu - ông Ngô Nguyên Minh (Wu Yuanming) nhấn mạnh việc đưa Hoa Long 1 vào vận hành thương mại thành công không chỉ minh chứng cho sự trưởng thành và độ tin cậy của công nghệ Trung Quốc, mà còn mở ra tiềm năng to lớn cho việc phát triển năng lượng sạch. Mỗi tổ máy Hoa Long 1 có khả năng sản xuất 10 tỷ kWh điện mỗi năm, đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của 1 triệu người ở các quốc gia phát triển trung bình. Điều này đồng nghĩa với việc giảm 8,16 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm, tương đương với việc trồng hơn 70 triệu cây xanh, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Ngô Nguyên Minh, lò phản ứng điện hạt nhân Hoa Long 1 không chỉ dừng lại ở việc sản xuất điện mà còn mở ra tiềm năng sử dụng toàn diện năng lượng hạt nhân. Ông nhấn mạnh công nghệ này có thể cung cấp hơi nước xanh, một giải pháp thân thiện với môi trường, để kết hợp với ngành công nghiệp hóa dầu địa phương. Trong tương lai, sự tích hợp giữa điện sạch và hơi nước công nghiệp sạch có thể mang lại những thay đổi đáng kể cho đời sống và sản xuất, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoài khả năng cung cấp năng lượng sạch, lò phản ứng Hoa Long 1 còn mang lại giá trị kinh tế to lớn. Với tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trên 90%, mỗi tổ máy Hoa Long 1 xuất khẩu có thể trực tiếp tạo ra giá trị sản xuất lên tới 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,1 tỷ USD). Đây không chỉ là nguồn thu đáng kể mà còn là minh chứng cho khả năng tự chủ công nghệ của Trung Quốc trong ngành hạt nhân.
Ông Hoắc Tiểu Đông (Huo Xiaodong) - Kỹ sư trưởng của mô hình Hoa Long 1 thuộc Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh các nhà máy điện hạt nhân như Hoa Long 1 là sản phẩm công nghệ cao, liên quan đến hơn 70 lĩnh vực chuyên môn. Hiện có khoảng 5.000 công ty tham gia cung cấp thiết bị và máy móc cho dự án Hoa Long 1, qua đó thúc đẩy trình độ kỹ thuật và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp này. Việc xuất khẩu thành công Hoa Long 1 sang Pakistan không chỉ củng cố vị thế của Trung Quốc trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu mà còn góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu của toàn bộ chuỗi công nghiệp trong nước.
Ông Vương Hâm (Wang Xin) - Giám đốc thiết kế của Hoa Long 1 - nhấn mạnh dự án không chỉ mang lại giá trị kinh tế vượt trội mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội và kinh tế. Cụ thể, mỗi 1 nhân dân tệ đầu tư vào điện hạt nhân sẽ làm tăng tổng sản lượng xã hội lên 3,04 nhân dân tệ và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thêm 1,03 nhân dân tệ trong giai đoạn xây dựng. Khi nhà máy đi vào vận hành ổn định, sản xuất 1 nhân dân tệ điện hạt nhân có thể tiếp tục nâng tổng sản lượng xã hội lên 2,22 nhân dân tệ và GDP tăng thêm 1,18 nhân dân tệ, khẳng định hiệu quả kinh tế dài hạn của công nghệ này.
Ngoài những đóng góp về kinh tế và thân thiện với môi trường, sự an toàn là ưu điểm cốt lõi làm nên sự khác biệt của lò phản ứng Hoa Long 1. Theo kỹ sư trưởng Mai Bính Vân, Hoa Long 1 được thiết kế dựa trên những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, áp dụng năm lớp bảo vệ theo chiều sâu cùng hai tầng vỏ ngăn chặn an toàn. Thiết kế này giúp lò phản ứng có khả năng ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp hoặc sự cố hạt nhân nghiêm trọng, đảm bảo sự an toàn tối đa trong vận hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hoa Long 1 là một dự án hệ thống phức tạp và khổng lồ, yêu cầu sự chính xác và an toàn ở mức cao nhất. Để đáp ứng yêu cầu này, các nhà nghiên cứu khoa học đã phải đồng thời triển khai thi công và nghiên cứu, từ đó phát triển nhiều công nghệ xây dựng mới, góp phần nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian hoàn thành.
Lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Kỹ sư trưởng Ngụy Vĩ (Wei Wei) - người đứng đầu thiết kế dự án Hoa Long 1 - chia sẻ rằng trong những năm gần đây, hàng loạt cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng, gồm module kết cấu quy mô lớn và công nghệ hàn đường ống tự động quy mô lớn. Những đổi mới này không chỉ tối ưu hóa quá trình xây dựng mà còn tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực và đảm bảo chất lượng kỹ thuật.
Ông Ngụy Vĩ cũng cho biết ngay từ giai đoạn thiết kế, dự án đã được cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, nhằm hỗ trợ việc sản xuất thiết bị và xây dựng các công trình tiếp theo. Việc các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế và vận hành, hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn và tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của công nghệ Hoa Long 1.
Công Tuyên/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/diem-manh-noi-troi-cua-cong-nghe-dien-hat-nhan-trung-quoc/359258.html