Tối 14-7, nhà sưu tập Phạm Gia Chi Bảo (diễn viên Chi Bảo) đã ra mắt Bảo tàng Gốm thời dựng nước do anh sáng lập (tọa lạc tại phường An Phú, TP.HCM).
Nhà sưu tập Phạm Gia Chi Bảo (diễn viên Chi Bảo) đã ra mắt Bảo tàng gốm thời dựng nước
400 cổ vật gốm được sưu tầm, bảo quản
Nói về lý do bản thân thích và sưu tầm cổ vật về gốm, diễn viên Chi Bảo cho biết việc này bắt đầu từ lúc thực hiện chương trình Hiểu về trái tim.
“Hiểu về trái tim mang thông điệp hãy tìm về những điều căn cơ nhất của con người – khám phá hạnh phúc, tìm thấy niềm vui đích thực nằm ở đâu, tức là trở về với khởi nguồn.
Gốm cũng vậy, là khởi đầu của sự sống, của nền văn minh Việt Nam và của văn hóa dân tộc. Chính sự tương đồng đó khiến tôi yêu thích, bởi nó đồng điệu với con đường tôi đang đi, những gì tôi đang làm và đang tìm kiếm” - diễn viên Chi Bảo chia sẻ.
Các cổ vật gốm được trưng bày tại bảo tàng.
Bảo tàng Gốm Thời dựng nước trưng bày thường xuyên và theo chuyên đề hơn 400 hiện vật, bao gồm một bảo vật quốc gia và nhiều bộ sưu tập độc bản. Trong đó, chõ gốm thuộc văn hóa Đông Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 13) vào tháng 12-2024. Chõ được làm từ đất nung, nung ở nhiệt độ cao khoảng 800–900°C.
Cổ vật gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên
Bảo tàng hiện sưu tầm và bảo quản hơn 400 hiện vật gốm cổ, thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn như Cái Bèo, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun...; cùng các văn hóa đồng đại như Sa Huỳnh, văn hóa sơ sử lưu vực sông Đồng Nai và gốm các thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Diễn viên Chi Bảo cho biết anh đặc biệt yêu thích đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên vì tính thẩm mỹ và sự độc đáo, đến mức đã dành riêng một căn phòng để trưng bày.
Tôi kỳ vọng Bảo tàng Gốm thời dựng nước sẽ trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam. Đồng thời, tôi mong đây sẽ trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử hàng đầu, nơi mỗi hiện vật kể câu chuyện về cội nguồn dân tộc.
Diễn viên Chi Bảo
Việt Nam có nhiều tiềm năng để xây dựng bảo tàng
Chi Bảo tiết lộ hiện sở hữu hơn 1.000 cổ vật gốm.
Trong thời gian tới, Bảo tàng gốm thời dựng nước sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; hợp tác với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu.
Khi đi nước ngoài, Chi Bảo nhận thấy nhiều quốc gia dành những vị trí đẹp, diện tích lớn để xây dựng bảo tàng. Anh ấn tượng với các bảo tàng tại Qatar, Pháp, Singapore... Không chỉ để tham quan, bảo tàng còn là không gian tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, thư viện, trải nghiệm văn hóa.
"Đất nước mình có rất nhiều vị trí đẹp. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có sự hợp tác giữa tư nhân và nhà nước để cùng chung tay xây dựng những không gian như thế để các bạn trẻ đến thưởng thức. Việt Nam có nhiều cổ vật, vị trí đẹp cũng nhiều… nên có nhiều tiềm năng" - Chi Bảo chia sẻ.
Bảo tàng Gốm thời dựng nước hoạt động theo Thông tư số 18/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, cùng các quy định pháp luật có liên quan. Bảo tàng chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao, cũng như chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở.
VĂN HÀ