Đình Yên Thái (số 8 ngõ Tạm Thương, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng cách đây 307 năm, vào khoảng năm 1718, dưới thời Hậu Lê. Ông Trường Sinh rót mời tôi chén nước chè rồi thong thả vào chuyện.
Vua Lý Thánh Tông khi ấy đã 41 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Mùa xuân năm Giáp Thìn (1064), vua lại đi cầu tự. Trên đường đi đến chùa Dâu (nay thuộc thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đoàn xa giá có ngang qua hương Thổ Lỗi (nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đình Yên Thái.
Giữa khung cảnh đông vui và đầy náo nhiệt ấy, bất chợt nhà vua nghe vẳng lên câu hát. Qua giọng hát vẳng vang giữa cánh đồng dâu bạt ngàn xanh tốt ấy, nhà vua nhận ra đó là một giọng thanh nữ. Giọng hát trong trẻo, vang ngân và nhất là lời bài hát thể hiện điều vui ca. Điều lạ lùng đó đã khiến Vua Lý Thánh Tông cho dừng kiệu. Nhà vua vén rèm nhìn ra, rồi ngài tự thân đi đến nơi đang vẳng lên câu hát. Thật lạ lùng và như một “định mệnh”, Vua Lý Thánh Tông thấy bên một gốc lan giữa cánh đồng dâu xanh, có dáng hình một người thôn nữ đang say sưa hái dâu và hát. Vua lại gần và hỏi: “Nay ta đi cầu tự và mở hội tuyển cung nữ. Cớ sao nhà ngươi lại dửng dưng ca hát?”.
Cô thôn nữ cũng dường như đã biết người vừa hỏi mình là ai nhưng cô lại không hề tỏ ra sợ sệt, cô cúi người chào và nhẹ nhàng đáp: "Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng". Nghe câu thưa của cô thôn nữ và nhất là được “mục sở thị” dung nhan của cô, Vua Lý Thánh Tông đã gạt xua mọi “lễ nghĩa”, ngài lại gần hơn và hỏi thêm chuyện.
Bức tranh bằng đồng miêu tả hình ảnh phu nhân Ỷ Lan sinh hạ Hoàng thái tử Lý Càn Đức (theo bản vẽ từ truyện tranh Ỷ Lan xuất bản năm 1988).
Cô thôn nữ bên ruộng dâu đó có tên thực là Lê Thị Khiết. Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là: "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" của Trương Thị Trong thời Chúa Trịnh, thì bà có tên là Lê Khiết Nương. Cũng có nguồn cho rằng, bà có tên là Lê Thị Yến. Bà quê nội ở hương Thổ Lỗi. Cũng có tương truyền nói quê ngoại của bà ở Ghềnh Sủi (thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và bà sinh ra ở đấy. Cha bà tên là ông Lê Công Thiết, một nhà nho và là một viên quan nhỏ. Có lẽ vì điều đó mà ngay từ nhỏ cô Lê Thị Khiết đã được giáo dục trong một môi trường có văn hóa và được rèn luyện lòng yêu lao động từ thuở bé.
“Bà sinh ngày mùng 7 tháng Ba năm Giáp Thân (1044)”. Ông Trường Sinh cho biết vậy và còn nói thêm: “Ngày 7 tháng Ba tới, đình Yên Thái làm lễ. Mời quý ông đến dự”. Còn gì bằng nữa, tôi phấn khởi gật đầu nhận lời và hỏi thêm: “Vậy là mùa xuân năm 1064 ấy, cô thôn nữ Lê Thị Khiết vừa tròn 20 tuổi? Và Vua Lý Thánh Tông hơn người 21 tuổi”. Ông Trường Sinh gật đầu. Tôi lại hỏi: “Vậy cái tên Ỷ Lan là nguồn gốc thế nào?”.
Sau khi được Vua Lý Thánh Tông tuyển thẳng từ ruộng dâu lên kiệu vàng để về cung, cô thôn nữ Lê Thị Khiết được vua ban cho tên gọi là Ỷ Lan, nghĩa là cô gái tựa gốc cây lan. Cô Lê Thị Khiết được Vua Lý Thánh Tông phong làm Ỷ Lan phu nhân. Cô Lê Thị Khiết tức Ỷ Lan ban đầu mới chỉ được nạp làm phu nhân nên cô không vào ở trong Kinh thành. Đích thân Vua Lý Thánh Tông sau khi được thầy phong thủy chỉ giúp đã chọn mảnh đất ở làng Yên Thái (huyện Thọ Xương), phía đông Đại nội, để dựng Cung Động Tiên cho phu nhân Ỷ Lan ở.
Hậu cung thờ Vương phi Ỷ Lan.
Hai năm sau, tức là vào tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066), phu nhân Ỷ Lan sinh con đầu lòng. “Về chuyện này cũng có lời đồn đấy” - ông Trường Sinh nói. Số là Thượng Dương Hoàng hậu không có con nên hay tin phu nhân Ỷ Lan mang thai nên lòng không vui. Rồi khi Ỷ Lan sinh con, Thượng dương Hoàng Hậu lại nói với vua là: “Phu nhân sinh ra bọc nước”. Tuy là lời Hoàng hậu nói nhưng Vua Lý Thánh Tông còn hồ nghi. Nhất là quan Thái giám làm việc bảo vệ và dạy học cho Ỷ Lan vào cung tâu là cô sinh con trai nên vua vội vàng tới Cung Động Tiên cho rõ thực hư. Mới tới đầu nhà vua đã nghe tiếng trẻ con trai khóc. Vua mừng lắm. Bấy giờ Ỷ Lan mới thực sự là Phi tần của nhà vua.
Hoàng tử sinh ra được đặt tên là Lý Càn Đức, một cái tên cho thấy niềm tin vào “chí càn khôn” của người sau này sẽ nối nghiệp nhà Lý. Tôi thắc mắc: “Em thấy ở nhà đại bái ngoài bức đại tự “Lý Đại Mẫu Nghi” ra còn có bức đại tự nhỏ hơn ghi là “Đồng Thiên Quán” bác ạ”. Ông Trường Sinh cho hay: “Chính tay Vương phi Ỷ Lan đã cho xây dựng Đồng Thiên Quán ở đây ông ạ. Đó là một quán đạo giáo, cùng với Trấn Vũ Quán, Huyền Thiên Quán và Đế Thích Quán lập thành tứ quán Thăng Long”.
Tượng Vương phi Ỷ Lan.
Đình Yên Thái được xây dựng trên nền của Cung Động Tiên xưa. Đình có lối kiến trúc chữ Công (工), trên khuôn viên 500 mét vuông. Đình có ba hạng mục chính là: Tiền đình (nhà Đại bái), nhà Phương đình và Hậu cung (cung thờ Mẫu). Hiện đình Yên Thái còn có các hạng mục mới là: Đền thờ Thánh; Cung quan Thái giám và Nhà Tổ (nơi thờ Phật). Gian chính giữa của hậu cung (cung thờ Mẫu) có đặt tượng thờ bà Ỷ Lan. Ông Trường Sinh cho biết: “Tượng Vương phi Ỷ Lan này được phục chế năm 2010, từ bức tượng tạc bằng gỗ mít có từ mấy chục năm trước, trước đó chỉ có bài vị. Tượng tạc theo mẫu tượng gốc của bà ở đền Ghềnh (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và tượng (bản sao) của bà ở đền Bà Tấm (đền thờ Ỷ Lan) bên Dương Xá, huyện Gia Lâm”.
Năm 1972, Vua Lý Thánh Tông băng hà. Hoàng thái tử Lý Càn Đức lên nối ngôi, tức Vua Lý Nhân Tông. Vương phi Ỷ Lan được phong làm Nguyên phi, đứng đầu các phi tần trong cung, chỉ dưới Thượng Dương Hoàng hậu. Vì vua còn nhỏ tuổi nên Nguyên phi Ỷ Lan được buông màn nhiếp chính.
Ông Trường Sinh cho hay: “Nguyên phi Ỷ Lan vốn có tư chất thông minh, trí tuệ hơn người, đặc biệt là khả năng hành chính. Trước đó, năm 1069, khi Vua Lý Thánh Tông cầm quân đi dẹp giặc Chiêm Thành thì Nguyên phi Ỷ Lan cũng đã được nhà vua giao cho việc cùng với Thái sư Lý Đạo Thành và Thái úy Lý Thường Kiệt chăm lo việc nước khi vua đi vắng”.
Hỏi chuyện ông Trường Sinh, thủ từ đình Yên Thái.
Được hay, Nguyên phi Ỷ Lan đã tỏ rõ tố chất lãnh đạo của mình bắt đầu từ thời gian làm “nhiếp chính lần thứ nhất” này. Bà làm tốt đến mức Vua Lý Thánh Tông dẫn quân đi dẹp giặc Chiêm chưa thành công. Vua dẫn quân về nhưng mới đến huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày nay, đã nghe râm ran dân tình nói “Vua ông thua vua bà”. Nhà vua nghe nói vậy thì cảm thấy mình chưa “hoàn thành nhiệm vụ” nên đưa quân trở lại phương Nam dẹp giặc. Lần này giặc Chiêm bị dẹp tan.
“Nếu như không có “vết gợn” là việc khúc mắc với Thượng Dương Hoàng hậu ra thì Nguyên phi Ỷ Lan sẽ trọn vẹn tài đức ông ạ”. Ông Trường Sinh nói vậy và tôi hiểu ông muốn nhắc đến việc Nguyên phi Ỷ Lan cho tống giam Thượng Dương Hoàng hậu và ép Hoàng hậu chết. Và tôi hiểu ngay là “chuyện đàn bà” giữa Thượng Dương Hoàng hậu và Nguyên phi Ỷ Lan. Có hai lý do, lý do thứ nhất tin “đẻ ra bọc nước” mấy năm trước. Và lý do thứ hai là như câu nói của Hoạn Thư với Thúy Kiều “Lòng riêng riêng những kính yêu. Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Chuyện sinh ra Hoàng Thái tử rồi làm mẹ đẻ của vua mà vẫn đứng dưới một người thực sự là điều Nguyên phi Ỷ Lan không muốn?
Câu chuyện chợt chùng xuống. Sau ít phút im lặng tôi đề nghị xin cho được vào hậu cung của đình để thắp hương chiêm bái Nguyên phi Ỷ Lan. Ông Trường Sinh chợt cũng vui trở lại và mở khóa hậu cung.
Tôi cúi đầu bái lạy rồi ngẩng mặt lên nhìn. Một gương mặt phụ nữ đẹp với đôi mắt sáng như đang nhìn tôi đồng cảm. Ông Trường Sinh nói thêm: “Nếu như mình vui thì nhìn bà thấy bà đang vui. Nếu như mình buồn thì nhìn lên thấy có ánh mắt cảm thông, chia sẻ”.
Vương phi Ỷ Lan mất ngày 25 tháng Bảy năm Đinh Dậu (1117), hưởng thọ 73 tuồi. Cuộc đời và tài năng của bà gắn liền với thời kỳ hiển hách chiến công chống giặc Tống xâm lược của nhà nước Đại Việt và triều đại Nhà Lý.
Nguyễn Trọng Văn