Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2025 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.
Quang cảnh đìu hiu tại một số Trung tân thương mại
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chuyên gia kinh tế cho biết, người dân đang chi tiêu theo kiểu ‘liệu cơm gắp mắm’, chỉ tập trung vào nhu yếu phẩm, hạn chế tối đa các khoản chi không cần thiết như quần áo, đồ gia dụng hay mỹ phẩm.
Bà Lê Trúc My, Giám đốc Công ty My Tỷ Mai cho biết, sức mua tại các cửa hàng của doanh nghiệp này đã giảm mạnh trong hơn một tháng qua. Người dân giờ rất cân nhắc, chỉ mua những mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm trung - cao cấp gần như không có khách. Trong khi đó doanh nghiệp đang phải gồng mình chi trả mặt bằng, nhân công, chi phí vận hành.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải tung khuyến mãi, giảm giá sâu hoặc miễn phí giao hàng để thu hút khách. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các nhà bán lẻ, hiệu quả các chương trình này cũng đang giảm sút khi người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm thay vì hưởng ưu đãi.
Ông Trần Quốc Hưng, Quản lý chuỗi siêu thị mini tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, khách hàng không còn bị thu hút bởi khuyến mãi như trước. Họ ưu tiên hàng có nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý và thường chọn các thương hiệu quen thuộc để tránh rủi ro mua phải hàng kém chất lượng.
Doanh nghiệp bán lẻ đang phải gồng mình chi trả mặt bằng, nhân công, chi phí vận hành
Không chỉ thắt lưng buộc bụng, người tiêu dùng còn phải dè chừng khi thị trường ngày càng “nhiễu loạn” bởi hàng giả, hàng nhái. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến đồ gia dụng, điện tử... đều có thể bị làm giả tinh vi, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả hoành hành là do các quy định pháp luật và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Việc quản lý hàng hóa trên không gian mạng còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng, dẫn đến khó kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Cần tái cấu trúc ngành hàng để phù hợp với năng lực của doanh nghiệp
Đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết, trước thực trạng đáng lo ngại, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả. Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng công an, hải quan, thanh tra đồng thời ứng dụng công nghệ để giám sát và phát hiện nhanh các hành vi gian lận.
”Chúng tôi đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thị trường. Những hệ thống giám sát thông minh sẽ giúp phát hiện sớm các đối tượng buôn bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số khác. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thương mại, nhằm tăng sức răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, vị này cho biết.
Theo các chuyên gia, để khơi thông dòng chảy tiêu dùng, bên cạnh giải pháp kiểm soát hàng giả thì cần có chính sách phục hồi thu nhập người dân, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo thêm việc làm bền vững. Khi thu nhập được cải thiện và niềm tin vào thị trường được củng cố, người dân sẽ quay lại chi tiêu. Đó là động lực then chốt để nền kinh tế tăng trưởng trở lại, ông Nguyễn Văn Hòa, Chuyên gia kinh tế cho biết thêm.
Đức Hiền