Chuyển mình trước thách thức
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển đổi theo hướng xanh - sạch - tuần hoàn, Việt Nam đứng trước yêu cầu bắt buộc phải tái định hình chiến lược phát triển công nghiệp. Nếu không kịp thời thích ứng, quốc gia có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển bền vững toàn cầu.
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng xanh hướng tới Net Zero vào 2050, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo giới chuyên gia, để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam cần mạnh mẽ tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Đầu tư vào công nghiệp xanh không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và giữ vững vị thế trong kỷ nguyên Net Zero.
Ở góc độ doanh nghiệp, thực tế hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phải cùng lúc giải bài toán bảo đảm được tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững với việc tuân thủ những quy định của quốc tế và trong nước.
Tại diễn đàn công nghiệp xanh 2025 với chủ đề "Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững" sáng ngày 9/7 tại Hà Nội, câu chuyện thực tiễn về chuyển đổi, những rào cản và khát vọng của doanh nghiệp đã được chia sẻ một cách thẳng thắn.
Đối với nhiều doanh nghiệp, hành trình "xanh hóa" không chỉ đến từ áp lực bên ngoài mà còn xuất phát từ nhận thức nội tại sâu sắc về sự tồn tại và phát triển dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 chia sẻ, doanh nghiệp có tuổi đời gần 85 năm này bước vào chuyển đổi xanh không chỉ vì cam kết Net Zero của Việt Nam tại COP26 hay áp lực thị trường.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10.
Hiện nay, những áp lực về thuế và chi phí sản xuất gia tăng gây khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung. Tuy nhiên, Tổng Công ty May 10 đối diện thách thức bằng cách chuyển mình. Hơn 5 năm qua, công ty đã bắt đầu sử dụng nguyên phụ liệu bền vững (tái chế, organic cotton), đầu tư hàng triệu KW điện mặt trời áp mái, và chuyển đổi từ nồi hơi than đá sang nồi hơi sinh khối, giúp giảm hàng ngàn tấn CO2 mỗi năm.
"Chúng tôi nhận thức được rằng, nếu không chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất khó để hội nhập quốc tế và giữ vững vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội", bà Thảo nhấn mạnh.
Tương tự, ông Phạm Công Thảo – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 triệu tấn thép, trong đó 40% sang EU và Mỹ. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ áp dụng từ năm 2026. Nếu không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí, làm giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các nhà máy thép cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hút bụi hiện đại, gần như không còn phát thải khói bụi ra môi trường như trước đây.
Câu chuyện chuyển đổi không chỉ giới hạn ở các ngành công nghiệp nặng. Bà Nguyễn Phương Nga - Phó Tổng giám đốc CNCTech Group, một doanh nghiệp cơ khí chính xác, cho biết động lực của họ đến từ chính khách hàng.
"70% đối tác của chúng tôi là khách hàng xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Họ đều có những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xanh và ESG", bà Nga giải thích.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch HĐQT VietCycle nhìn nhận, sức ép từ bên ngoài lại là một cơ hội may mắn.
"Cam kết Net Zero là tầm nhìn đúng đắn của Chính phủ. Nếu không chuyển đổi, sản phẩm của chúng ta sẽ không thể bán được", ông Vượng khẳng định, đồng thời dẫn chứng bài học của Trung Quốc đã phải tốn 10 năm và hơn 160 tỷ USD để có được bầu trời xanh ở Bắc Kinh. Việt Nam cần hành động sớm để tránh phải trả giá đắt hơn trong tương lai.
Để doanh nghiệp không đơn độc khi 'xanh' hóa
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sâm - Giám đốc JAPIFoods, một doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ, phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết để tồn tại. Nhưng là một doanh nghiệp nhỏ, JAPIFoods đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là về vốn.
"Chúng tôi rất mong muốn có được những cơ chế về tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp SME, bởi vì quá khó để đi đúng ngay từ đầu theo định hướng xanh mà không có sự hỗ trợ về mặt tài chính", bà Sâm bày tỏ.
Các diễn giả trao đổi tại diễn đàn công nghiệp xanh 2025.
Để doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, không chỉ cần nỗ lực tự thân mà còn cần một hệ sinh thái chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Nhà nước.
Đưa ra đề xuất bằng một từ khóa theo yêu cầu của người điều phối, bà Nguyễn Phương Nga - Phó Tổng Giám đốc CNCTech Group chọn từ "đơn giản". Bà giải thích, để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, chúng ta cần một môi trường đầu tư đơn giản, minh bạch và hấp dẫn. Các thể chế, chính sách về đầu tư, thuế cần được làm cho thật đơn giản.
Ông Hoàng Đức Vượng (Hiệp hội Nhựa tái sinh Việt Nam) nhấn mạnh từ "chính sách". Một chính sách thông minh, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và công nghệ, sẽ giúp doanh nghiệp phát triển xanh và đi nhanh nhất.
Trong khi đó, ông Thảo đề xuất "nguồn năng lượng xanh" bởi ông cho rằng, với một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, việc có nguồn năng lượng xanh là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi thành công.
Bà Phạm Thu Huyền - Trưởng phòng cao cấp phòng Truyền thông và Maketing, Công ty TNHH Panasonic Sales Việt Nam chọn từ "cơ chế". Cơ chế ở đây bao gồm cả cơ chế về vốn, chính sách, và đặc biệt là cơ chế khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xanh, cũng như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.
Những chia sẻ tại diễn đàn cho thấy, chuyển đổi xanh đã trở thành mệnh lệnh của thời đại. Đây là một cuộc đua đòi hỏi sự quyết tâm của doanh nghiệp và sự đồng hành của Nhà nước.
"Để thành công, Việt Nam cần một hệ chính sách đồng bộ, nơi Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp thực thi, và cộng đồng cùng chung tay hưởng ứng. Qua đó không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn mà còn xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau", ông Chử Văn Lâm – Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Nguyệt Minh