Với 1.250 doanh nghiệp, phần lớn là các đơn vị có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tỉnh Bắc Kạn đang đối diện với nhiều thách thức đặc thù. Khó khăn trong tiếp cận vốn vay do thiếu tài sản thế chấp và phương án kinh doanh khả thi là một rào cản lớn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hạn chế, việc tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật và quản trị bài bản gặp nhiều trở ngại.
Quy mô nhỏ cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc thâm nhập các thị trường lớn, đặc biệt là chuỗi cung ứng của các tập đoàn hoặc hoạt động xuất khẩu. Những yếu tố nội tại này, cộng với sự chưa đồng bộ trong chính sách hỗ trợ, đã khiến nhiều doanh nghiệp tại Bắc Kạn hoạt động cầm chừng, thậm chí phải rời bỏ thị trường.
Bà Hà Minh Đợi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp, một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Bắc Kạn, bày tỏ kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ mở ra cơ hội phát triển, giúp doanh nghiệp khai thác tiềm năng địa phương và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
“Chúng tôi mong sẽ sớm có biện pháp, chế tài hướng dẫn thực hiện cụ thể cũng như có các chính sách hỗ trợ, tham vấn hiệu quả cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi mong muốn cần được công nhận là đối tác chính thức trong quá trình xây dựng hoạch định chính sách kinh tế có liên quan… Đơn vị chúng tôi thực hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ, sản phẩm OCOP, những sản phẩm này và ngành nghề này đang được ví như là những dự án xanh tuần hoàn nên cần có một cơ chế vay vốn với mức hỗ trợ lãi suất ưu đãi nhất để chúng tôi phát triển bền vững hơn …” - bà Hà Minh Đợi cho biết thêm.
Với 1.250 doanh nghiệp, phần lớn là các đơn vị có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tỉnh Bắc Kạn đang đối diện với nhiều thách thức đặc thù.
Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 60% GRDP (bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh…), trong đó riêng doanh nghiệp nhỏ mới đóng góp khoảng 10%. Tỉnh Bắc Kạn cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, môi trường đầu tư kinh doanh dù đã cải thiện nhưng vẫn thiếu tính năng động, linh hoạt. Các vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai, quy hoạch, thiếu hụt về khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường tiêu thụ và đặc biệt là vốn, vẫn đang là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp nhỏ vùng cao.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn, tin rằng Nghị quyết 68 sẽ mang đến một "làn gió mới", giúp tháo gỡ những khó khăn và tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.
Theo ông Nam: “Tôi thấy Nghị quyết 68 rất phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt là với doanh nghiệp Bắc Kạn có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ, rất thiếu vốn, động lực, kiến thức điều hành. Thứ hai là trong Nghị quyết có rất nhiều chủ trương lớn rất cần cho doanh nghiệp tư nhân hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp Bắc Kạn đang thiếu, ví dụ như là tiếp cận đất đai, là công nghệ và đặc biệt nữa là giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi nó có động lực để yên tâm, tự tin trong phát triển kinh doanh”.
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 68 cũng nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn từ các hợp tác xã, một mô hình kinh tế đang được xem là xu thế phát triển tiềm năng tại Bắc Kạn.
Doanh nghiệp tư nhân góp phần mang lại diện mạo mới cho công nghiệp Bắc Kạn
Chị Lê Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao BK Foods, chia sẻ: “Bản thân HTX như chúng tôi cũng rất hy vọng, Nghị quyết 68 sẽ tạo bước đột phá mới trong thúc đẩy kinh tế, nhất là khu vực miền núi. Bởi vì thời gian qua, HTX và các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ ở đây đều có mối liên kết chặt chẽ từ khâu trồng, thu mua đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, khi mà kinh tế tư nhân phát triển chắc chắn là sẽ giúp cho mối liên kết của chúng tôi được tốt hơn và hiệu quả kinh doanh cũng theo đó sẽ nâng lên hơn...".
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp Bắc Kạn mong muốn nhất lúc này là Nghị quyết 68 sẽ sớm được cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi và phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng loại hình doanh nghiệp. Với quyết tâm từ Trung ương, sự vào cuộc của chính quyền tỉnh và nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ thực sự trở thành một "cú hích" mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế tư nhân tại tỉnh Bắc Kạn.
Công Luận/VOV-Đông Bắc