Đối đầu Israel - Iran: Tạm lắng hay 'khoảng lặng trước cơn bão'?

Đối đầu Israel - Iran: Tạm lắng hay 'khoảng lặng trước cơn bão'?
8 giờ trướcBài gốc
Lệnh ngừng bắn mong manh, mục tiêu hạt nhân bất định và sự tính toán chính trị phức tạp của các bên có thể đẩy Trung Đông vào một giai đoạn căng thẳng mới (trong ảnh: Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Tehran, Iran). Ảnh: THX/TTXVN
Nhận định với tờ National (UAE) ngày 30/6, Raghida Dergham, Chủ tịch Viện Beirut cho rằng cuộc xung đột giữa Iran và Israel có vẻ như chỉ mới tạm lắng, nhưng thực chất, có thể đang bước vào một giai đoạn mới, phức tạp và khó lường hơn. Lệnh ngừng bắn được tuyên bố vội vã, những mục tiêu chiến lược chưa đạt được và sự thiếu tin cậy giữa các bên đang tạo ra một bầu không khí đầy bất trắc, khiến giới phân tích lo ngại về một cuộc đối đầu không thể tránh khỏi trong tương lai gần.
Chiến thắng vội vàng
Chuyên gia Dergham lưu ý rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ có thể tự trách mình khi vội vã tuyên bố "chiến thắng quân sự ngoạn mục" sau cuộc không kích vào 3 cơ sở hạt nhân của Iran và một lệnh ngừng bắn. Ông đã làm điều này trước khi xác minh và đánh giá đầy đủ kết quả của các hoạt động quân sự nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran.
Động thái này đã đặt Tổng thống Trump vào thế bị động. Ông phải chịu trách nhiệm cung cấp bằng chứng về sự thành công của chiến dịch. Ngay sau các cuộc tấn công, Iran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – tổ chức duy nhất có thẩm quyền đánh giá thiệt hại đối với các cơ sở hạt nhân, tình trạng máy ly tâm và kho dự trữ uranium.
Bằng cách này, Tehran đã lật ngược tình thế. Tổng thống Trump bị cuốn vào vòng xoáy phải biện minh cho hành động của mình trước giới truyền thông và các đối thủ chính trị trong nước. Trong khi đó, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã xuất hiện với một bài phát biểu mang tính chiến thắng, thể hiện sự tự tin, coi hành động của Washington là một thất bại.
Sai lầm từ việc "cá nhân hóa chính trị"
Chuyên gia Dergham chỉ ra rằng một phần vấn đề nằm ở việc Tổng thống Trump có xu hướng cá nhân hóa chính trị, biến các vấn đề chiến lược thành chiến thuật chính trị. Ông Trump từ chối thừa nhận sai lầm, ngay cả khi chúng có thể phải trả giá đắt. Một số ý kiến có thể cho rằng Tổng thống Trump đã làm đúng khi tuyên bố ngừng bắn sau khi phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran để tránh một cuộc chiến kéo dài. Tuy nhiên, sự "đúng" này có thể chỉ mang tính tạm thời.
Lệnh ngừng bắn này có một sai sót cố hữu: nó không phải là một thỏa thuận chính thức có lộ trình rõ ràng để chấm dứt đối đầu, mà chỉ là một sự hạ nhiệt tạm thời. Đây là một cách tiếp cận mang tính chắp vá đặc trưng của chính quyền Trump, khi họ thường có xu hướng tuyên bố thành tựu trước khi chúng thực sự được đảm bảo.
Chuyên gia Dergham nhận định: Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại Trung Đông, Steve Witkoff, được mô tả là một nhà đàm phán lão luyện, nhưng dường như không hiểu rõ lịch sử các cuộc xung đột mà ông đang cố gắng chấm dứt. Ông cũng không nắm bắt được mức độ theo đuổi học thuyết hạt nhân và tên lửa của giới lãnh đạo Iran. Trong các cuộc đàm phán, Tehran kiên quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân và loại bỏ các vấn đề liên quan đến tên lửa đạn đạo cũng như lực lượng dân quân thân Tehran ra khỏi bàn đàm phán.
Iran ở thế "đàm phán tốt hơn"?
Mặc dù các cơ sở hạt nhân của Iran đã bị thiệt hại đáng kể, nhưng có thể nói, Tehran đang ở vị thế đàm phán tốt hơn trước. Bằng cách di tản uranium làm giàu đến những địa điểm không xác định và đình chỉ hợp tác với IAEA, họ đã không còn chịu sự giám sát. Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi thậm chí còn cho biết Tehran chỉ còn cách vài tháng nữa là đạt được mức làm giàu hạt nhân cần thiết cho một quả bom.
Trong khi đó, Iran đã giành được một chiến thắng chính trị quan trọng khi đảm bảo rằng cơ sở của nước này sẽ không bị phá hủy hoàn toàn. Cuộc tấn công trả đũa được dàn dựng cẩn thận của Iran vào một căn cứ Mỹ tại Qatar, đảm bảo không có binh sĩ Mỹ nào bị thương vong, cho thấy một sự tính toán chiến lược tinh vi.
Chuyên gia Dergham đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có mạo hiểm tấn công Iran lần nữa hay không. Một cuộc tấn công như vậy sẽ đồng nghĩa với việc ông Trump phải thừa nhận rằng các cuộc tấn công trước đó đã thất bại. Đồng thời, ông cũng phải đối mặt với phản ứng chính trị trong nước.
Tuy nhiên, dù ông Trump có kiềm chế lại, một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran vẫn có thể tiếp diễn. Cả Israel và Iran đều không có khả năng lùi bước trước các mục tiêu chiến lược của họ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mặc dù đang chịu áp lực từ Washington, sẽ cảm thấy cần phải thực hiện các bước mới với chương trình hạt nhân, tên lửa và lực lượng dân quân thân Iran.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Dergham kết luận, cả Iran và Israel đều cảm thấy Tổng thống Mỹ đã lừa dối họ. Điều này tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc, khiến lệnh ngừng bắn hiện tại trở nên vô cùng mong manh. Một cuộc đụng độ mới, xét cho cùng, lại phù hợp với lợi ích của giới lãnh đạo ở cả hai quốc gia.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/doi-dau-israel-iran-tam-lang-hay-khoang-lang-truoc-con-bao-20250630224351418.htm