Đội tuyển bóng đá Việt Nam và bài học chuyên nghiệp

Đội tuyển bóng đá Việt Nam và bài học chuyên nghiệp
2 giờ trướcBài gốc
Khâu tiền trạm đáng ngưỡng mộ
Hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi giải Tam hùng diễn ra trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) giữa Nga, Việt Nam và Thái Lan khép lại. Dẫu vậy, dư âm về sự hiện diện của đội tuyển (ĐT) Nga, với hàng loạt những câu chuyện về sự chuyên nghiệp vẫn là bài học đáng quý cho chính ĐT Việt Nam. Thực tế, trận thua 0-3 của Việt Nam trước Nga mới chỉ là 1 phần của câu chuyện. Chính xác hơn, để tạo nên sự cách biệt lớn về trình độ, lối chơi so với Việt Nam, Nga - đại diện top 40 thế giới cũng đã hơn chúng ta về sự chuẩn bị sâu sát ngay từ khâu tiền trạm.
Đội tuyển Việt Nam có thêm bài học về sự chuyên nghiệp của Nga, Thái Lan.
Nói đến đây, nhiều người có thể sẽ bán tín bán nghi. Bởi thực tế, đội tuyển Nga vốn chỉ đến Hà Nội vào trưa 4/9, tức là chỉ 1 ngày trước khi bước vào trận đấu với ĐT Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn chỉ trích Nga quá chủ quan, coi thường đẳng cấp đến từ ĐT Việt Nam. Một số khác lại hả hê khi thầy trò HLV Valery Karpin bị “sốc nhiệt”, trong ngày duy nhất làm quen sân Mỹ Đình trước khi bước vào tranh tài với đoàn quân của HLV Kim Sang Sik.
Tuy nhiên trên thực tế, khâu chuẩn bị của ĐT Nga trước khi sang Việt Nam đã diễn ra từ trước đó vài ngày, với một kế hoạch tỉ mỉ và khắt khe hơn nhiều người tưởng tượng. Nhìn vào bản danh sách yêu cầu được ghi chú theo khung thời gian (timeline), không ít người cảm thấy bị choáng trước độ chi tiết và đòi hỏi cao độ đến từ ĐT Nga.
Đầu tiên, trước khi đến Việt Nam thi đấu, đội ngũ tiền trạm của đội tuyển Nga muốn BTC giải sắp xếp thật đầy đủ về phương tiện di chuyển và nơi ăn chốn ở, trong khoảng 4 ngày có mặt tại Việt Nam. Theo đó, riêng ở phương tiện vận chuyển từ sân bay về khách sạn, ĐT Nga cần 1 xe bus cỡ lớn, 2 xe 16 chỗ, 1 xe 7 chỗ, 1 xe tải với khả năng chở 5 tấn hành lý cùng 2 chiếc xe sang 4 chỗ. Với nơi ăn ở, họ muốn được sinh hoạt tại khách sạn đẳng cấp nhất Hà Nội. Đấy cũng là nơi mà các chính khách từ nhiều nơi trên thế giới được thu xếp nghỉ ngơi, mỗi khi thủ đô tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng.
ĐT Nga có yêu sách không? Trên thực tế thì không. Bởi họ vốn dĩ đã quá quen với cái guồng như vậy, mỗi khi thi đấu từ các trận giao hữu đến giải chính thức. Đơn cử như về con người, chuyên cơ từ Moscow đến Hà Nội chở tới 60 thành viên! Cần nói thêm, lực lượng cầu thủ của ĐT Nga chỉ là 28 người. Và 32 cái tên còn lại - tức quá bán lực lượng đến từ nhiều vị trí khác nhau. Từ lãnh đội, chuyên viên phân tích, HLV thể lực, bác sỹ, HLV dinh dưỡng, trợ lý chuyên môn, bác sỹ tâm lý, đội ngũ hậu cần cho tới cán bộ truyền thông…, tất cả tạo nên một ekip hùng hậu theo đúng chuẩn tham dự một giải quốc tế tầm cỡ!
Riêng với đội ngũ thể lực, bác sỹ, chuyên viên vật lý trị liệu, con số mà ĐT Nga mang sang Việt Nam đã ngót nghét 10-12 người. Con số này chẳng hề thua kém khi ĐT Nga tham dự EURO hay World Cup trong quá khứ. Nói như thế để thấy rằng, ĐT Nga cực kỳ tôn trọng giải giao hữu với Việt Nam. Và sự chuẩn bị cùng yêu cầu của họ cũng đạt chuẩn mực quốc tế, tương đương với cách họ chạm trán các đội tuyển hàng đầu châu Âu hay thế giới!
Một loạt yêu cầu
Tiếp nối với câu chuyện chuẩn bị của ĐT Nga, khách sạn 5 sao đẳng cấp bậc nhất Hà Nội là nơi đóng quân của đại diện đến từ đất nước bạch dương. Hành lý phục vụ cho công tác tập luyện, y tế được các nhân viên khách sạn nườm nượp vận chuyển vào các khu vực phòng riêng tư của đội, đảm bảo khoảng thời gian 4 ngày sinh hoạt, tập luyện, thi đấu cho 60 thành viên tuyển Nga.
Đội tuyển Nga chuẩn bị chu đáo trước khi sang Việt Nam.
Theo quan sát, điều thú vị cũng đến từ những chiếc vali chứa các thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men của đội tuyển Nga. Chúng được làm từ chất liệu cứng cáp, chịu được va đập và tải trọng cao. Đấy là chưa kể khối lượng và số lượng dụng cụ phục vụ cho việc rèn quân, thi đấu của ĐT Nga trong 2 trận đấu với Việt Nam và Thái Lan cũng vô cùng ấn tượng. Bởi nó được tính theo đơn vị… vài tấn!
Không chỉ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở Moscow, đội ngũ tiền trạm của ĐT Nga cũng làm việc liên tục với BTC giải ở Việt Nam. Những gạch đầu dòng hiển thị yêu cầu của Nga đối với BTC giải dài tới… 4 trang giấy. Trong đó, ngay khi có mặt ở Hà Nội, ĐT Nga đã yêu cầu phòng thay đồ dành cho mình ở sân Mỹ Đình phải được lắp tủ lạnh 2 cửa, nhằm đựng nước uống và trái cây. Ngoài ra, ĐT Nga cũng đặt ra “KPI” cho BTC giải đấu, xoay quanh việc phòng thay đồ còn cần có thêm 1 màn hình tivi, 4 giường massage, 10 tấm trải giường massage và 200-300 kg đá trước trận đấu. Đấy là chưa kể đội cần 30 trái bóng để khởi động hay 4 chiếc xe đạp tập thể dục.
Đẳng cấp của đội tuyển Nga đến từ bảng danh mục với hàng loạt tiểu tiết chú ý.
Chưa hết. Bản danh sách kéo dài 4 trang giấy với chi chít gạch đầu dòng vẫn còn thêm các yêu cầu. Cụ thể, 2 giờ trước khi đội tới sân, 300 chai nước, 2 lít sữa, hàng chục gói trà, bình nước nóng, máy pha cà phê hạt hay đường, chanh, táo xanh, táo đỏ, chuối, nước uống thể thao… cần được BTC chuẩn bị sẵn. Đấy là chưa kể ở giữa 2 hiệp, đội tuyển Nga có ghi chú muốn được hỗ trợ một số loại trái cây như dứa, kiwi, dưa, xoài, dâu, mâm xôi. Tất cả loại hoa quả này cũng được Nga ghi chú về cách… thái lát hay theo khúc, miếng! Song song với đó, đội cũng yêu cầu BTC giải phải chuẩn bị gấp một chiếc bàn thấp, một ổ nối điện tại băng ghế của đội ngoài sân, nhằm phục vụ cho cán bộ phân tích video.
Đội tuyển Thái Lan cũng gây sốc
Rõ ràng, một loạt những ghi chú tỉ mỉ đến từ đội tuyển Nga dành cho nước chủ nhà Việt Nam không phải là yêu sách. Đó thực tế là quy chuẩn khi tham dự một trận đấu quốc tế đến từ một đội tuyển ở trình độ áp sát top 30 thế giới, từng tham dự nhiều giải đấu lớn như EURO, World Cup trong lịch sử.
Đội tuyển Thái Lan cũng có sự chuẩn bị chu đáo khi sang Việt Nam đá giao hữu.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở Nga. Thái Lan, đội tuyển cũng đã thắng Việt Nam với tỷ số 2-1 ở giải Tam hùng này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp trong khâu chuẩn bị và phong thái khi tham dự.
Xét về lực lượng, bên cạnh việc các ngôi sao hay nhất có thể được lựa chọn theo tính toán của HLV Masatada Ishii, dàn hậu cần cũng khiến cho Thái Lan tạo được độ nể với cổ động viên Việt Nam theo dõi giải đấu. Cụ thể, số lượng thành viên mà Thái Lan mang sang Hà Nội cũng lên tới 50 người. Và tương tự như ĐT Nga, các vị trí liên quan đến y tế, phục hồi, vật lý trị liệu và cả tâm lý đều được ĐT Thái Lan tỉ mỉ xây dựng.
Nhờ một ê kíp trợ lý huấn luyện hùng hậu, ĐT Thái Lan cũng cho thấy phong thái chuyên nghiệp, không xuề xòa, dù cho giải đấu chỉ ở mức giao hữu. Trong tập luyện, tuy không đưa ra một loạt những yêu cầu tỉ mỉ và khắt khe như ĐT Nga, “Bầy voi chiến” vẫn có những đề xuất muốn BTC giải đảm bảo. Ngoài việc yêu cầu BTC đáp ứng 300 kg đá/ngày tập luyện, thi đấu thì chế độ dinh dưỡng, đồ ăn bổ sung hay các trang thiết bị như bàn massage cũng được Thái Lan bám sát chặt chẽ.
Khép lại giải giao hữu quốc tế vào đầu tháng 9 này, ĐT Việt Nam đã thua cả Nga và Thái Lan trên sân cỏ. Nhưng kết quả cũng là bức tranh phản ánh cho công tác hậu cần. Trong đó, bài học đến từ Thái Lan hay đặc biệt là Nga là điều cần thiết để LĐBĐ Việt Nam học hỏi, nhằm chuẩn bị cho ĐT Việt Nam ngày một tốt hơn!
Cuộc đua lộ trình cho AFF Cup
Khép lại giải giao hữu quốc tế tháng 9, Thái Lan hay Việt Nam đều tức tốc chạy đua với các trận giao hữu quốc tế trong tháng 10 và 11. Nếu như Thái Lan tổ chức King’s Cup thì Việt Nam cũng di chuyển đến sân Thiên Trường (Nam Định) để thi đấu với Lebanon cùng Ấn Độ.
Theo tìm hiểu, đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục tập huấn ở nước ngoài vào tháng 11, nhằm có sự chuẩn bị tươm tất cho AFF Cup 2024. Đã 2 kỳ gần nhất, dù dưới nhiệm kỳ của “thầy phù thủy” Park Hang-seo, Việt Nam chưa thể vô địch. Áp lực dành cho đội tuyển Việt Nam lại càng trở nên lớn hơn khi Indonesia ngày một mạnh lên nhờ chính sách tìm kiếm nhân tài gốc gác Indonesia tại châu Âu.
Mới nhất, đội tuyển Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ triệu tập Rafaelson. Nhưng theo quy định của FIFA, chân sút mới nhập tịch này không thể đảm bảo tiêu chí về thời gian của FIFA. Cụ thể phải sau tháng 1/2025, tức là khi AFF Cup 2024 hạ màn, đội tuyển Việt Nam mới có thể triệu tập được Rafaelson lên tập luyện, thi đấu.
An Khánh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/doi-tuyen-bong-da-viet-nam-va-bai-hoc-chuyen-nghiep-i745128/