Xuất nhập khẩu tiến gần 500 tỷ USD
Số liệu thống kê về hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 7/2025 tiếp tục cho thấy, các ngành hàng lớn của nước ta đang tận dụng nhanh nhạy, kịp thời nhu cầu tiêu dùng hàng hóa gia tăng trên toàn cầu.
Theo Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng kim ngạch xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 7/2025 đạt 38,17 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu 19 tỷ USD, nhập khẩu đạt 19,17 tỷ USD). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất nhập khẩu cả nước đạt 470,65 tỷ USD (xuất khẩu 239,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 231,45 tỷ USD, thặng dư 7,75 tỷ USD).
Kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng gần đây đều duy trì ở mức cao. Chẳng hạn, xuất nhập khẩu tháng 6 đạt 75,59 tỷ USD (xuất khẩu 39 tỷ USD, nhập khẩu 36,59 tỷ USD), còn trong tháng 5/2025 đạt mức cao kỷ lục 78,64 tỷ USD, đánh dấu tháng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất tính từ đầu năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 12% trong năm nay, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Nếu hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì nhịp độ như 2 tuần qua, theo tính toán, hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sẽ vượt 500 tỷ USD.
Điểm dễ thấy về xuất khẩu là các nhóm hàng có kim ngạch lớn tiếp tục duy trì đà tăng khá. Trong 15 ngày đầu tháng 7/2025, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,88 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,52 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,3 tỷ USD; dệt may đạt 1,82 tỷ USD; giày dép đạt hơn 1 tỷ USD.
Ngoài 5 nhóm hàng đóng góp kim ngạch lớn kể trên, nửa đầu tháng 7 còn ghi nhận nhiều mặt hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD như thủy sản; rau quả; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; đồ chơi, dụng cụ thể thao...
Ngược lại, 2 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,55 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,7 tỷ USD.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị và đầu vào phục vụ sản xuất đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện khẩn trương nhằm đáp ứng cho lượng đơn hàng xuất khẩu lớn đã ký với đối tác. Kết quả là, nhập khẩu thời gian gần đây đã có sự gia tăng rõ rệt.
Bộ Công thương khẳng định, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta đang phục hồi tích cực, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế.
Ráo riết chạy nước rút
Những tháng còn lại của năm 2025 là khoảng thời gian quan trọng để các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu ráo riết thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu sản xuất - kinh doanh đã đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, các chỉ dấu không thuận lợi cho hoạt động thương mại đang hiện hữu. Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, trong khi các xung đột địa chính trị có dấu hiệu gia tăng. Biến đổi khí hậu gây ra những bất ổn kéo dài, dẫn đến mức độ bất định ngày càng nghiêm trọng.
Đối mặt với hàng loạt vấn đề lớn có thể cản đà tăng trưởng, ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch HĐQT Global AAA Consulting cho rằng, trong thời gian còn lại của năm, doanh nghiệp phải chạy nước rút, quyết liệt thực hiện các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Xác định áp lực sẽ rất lớn, buộc mỗi doanh nghiệp phải tái cấu trúc hoạt động để linh hoạt ứng biến với sự biến đổi của thị trường, nâng cao hiệu quả của bộ máy (chuyển đổi số, tăng ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, nâng lợi thế cạnh tranh).
“Nếu là doanh nghiệp xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường”, ông Hào nói.
Phân tích thêm về giải pháp giữ đà tăng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn của nước ta, GS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ) cho rằng, những chính sách thuế quan mà Mỹ đưa ra làm thay đổi lớn về thương mại toàn cầu, nhưng trên hết, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng, hàng đầu của Việt Nam, nên doanh nghiệp cần quan tâm để khai thác hiệu quả, bền vững.
“Kể cả phải chịu thuế, thì chúng ta vẫn còn cơ hội. Tuy chuỗi cung ứng sẽ có thay đổi, nhưng Việt Nam phải tận dụng thời cơ để tăng mua hàng Mỹ và đầu tư công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ công nghệ, quản lý để tiến lên phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng”, GS. Trần Ngọc Anh nói.
Đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025 và cả năm 2026, song kỳ vọng việc đàm phán thuế quan thấp hơn nhiều so với công bố ban đầu và thấp hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh xuất khẩu, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế thương mại và thu hút vốn FDI.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai đàm phán Hiệp định Thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng với Mỹ để duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công thương tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.
Thế Hoàng