Đừng làm xấu đi hình ảnh người thầy

Đừng làm xấu đi hình ảnh người thầy
6 giờ trướcBài gốc
Chuyện nữ giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin xin phụ huynh mua laptop chưa lắng xuống thì những hình ảnh cô giáo trẻ dạy Ngữ văn ở một trường trung học phổ thông của Hà Nội thân mật thái quá với nam sinh lớp 10 khiến nhiều người ngỡ ngàng, khó có thể cảm thông. Bởi là một giáo viên, dù có gần gũi với học trò đến mấy cũng phải giữ khoảng cách thầy - trò. Không vì dễ dãi hay thân thiết mà có hành động phản cảm trước rất nhiều học sinh. Vụ việc bị chính những học trong lớp ghi lại, công an vào cuộc xác minh, nhà trường buộc phải tạm dừng việc giảng dạy với cô giáo và chắc chắn những hình ảnh này sẽ làm xấu xí đi hình ảnh thầy cô trên bục giảng một thời gian dài.
Nghề giáo là một trong những nghề cao quý, được cả xã hội tôn vinh, yêu mến. Dù là ở giai đoạn, hoàn cảnh nào, những cống hiến thầm lặng, tận tâm của thầy cô đã góp phần to lớn vào sự thành công của mỗi “chuyến đò”. Nghề giáo, vì thế bao giờ cũng có những đòi hỏi, yêu cầu cao hơn so với các ngành nghề khác, bởi đây là nghề “trồng người”, đào tạo nên những thế hệ tương lai của đất nước.
Hình ảnh người thầy trên bục giảng luôn là những hình ảnh đẹp và bao đời nay, việc giữ gìn phẩm chất người thầy luôn được ngành giáo dục nói riêng và cả xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, chỉ cần một lối hành xử không chuẩn mực, người thầy dễ dàng đánh mất đi giá trị của mình. Trong suy nghĩ của phụ huynh và học sinh, dù có cảm thông cho những khó khăn, vất vả của nghề giáo đến đâu cũng khó chấp nhận việc cô giáo nhắn tin xin tiền mua laptop. Hay cô giáo trẻ vì non nghiệp vụ, chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy để nam sinh vô tư vuốt tóc, kề má ngay trên bàn giáo viên trước sự chứng kiến của nhiều học sinh. Trước đó, không ít giáo viên vì thiếu kiểm soát, nóng nảy đã mắng chửi, thậm chí là đánh học sinh gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Nghề nào cũng có những áp lực và khó khăn riêng nhưng với nghề giáo, việc kiểm soát hành động để giữ gìn hình ảnh rất quan trọng. Đây là vấn đề mà ngành giáo dục cần quan tâm, tổ chức nhiều hơn những chương trình tập huấn, trang bị kỹ năng để giáo viên làm chủ được lời nói, hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh.
Minh Ngọc
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/dung-lam-xau-di-hinh-anh-nguoi-thay-9ff7256/