Gia tăng bệnh không lây nhiễm

Gia tăng bệnh không lây nhiễm
một ngày trướcBài gốc
Nhiều trường hợp chủ quan không tầm soát bệnh sớm dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Hơn 70% số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm
Theo thống kê tại Việt Nam, 70% số ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, hầu hết các trường hợp tử vong là người có bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…
Nhân viên Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn, hướng dẫn người dân về việc tuân thủ điều trị đối với các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Ảnh: N.N
Bệnh không lây nhiễm tiến triển âm thầm. Nhiều trường hợp chủ quan không tầm soát, phát hiện sớm khiến bệnh diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe. Trong số các bệnh không lây nhiễm hiện nay, phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường; bệnh tim mạch, ung thư cũng có chiều hướng gia tăng.
Ông Trần Đình Hòa (tổ 5, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: “Cô tôi mắc bệnh đái tháo đường đã 13 năm. Bệnh biến chứng qua nhồi máu não khiến bà bị liệt một bên phải. Lúc đầu, gia đình không biết cô mắc bệnh đái tháo đường nên không chữa trị. Khi cô bị tai biến đưa đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ phát hiện bà bị đái tháo đường nặng nhưng không điều trị kịp thời nên đã dẫn đến biến chứng nguy hiểm”.
Trường hợp khác là ông Nguyễn Xuân Hạ (tổ 12, thị trấn Kbang). Ông Hạ bị đái tháo đường đã 20 năm, cộng thêm bệnh tăng huyết áp nên biến chứng qua tim mạch, khớp, thần kinh…
“Hàng tháng, tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh, lấy thuốc về điều trị. Để phòng tránh bệnh, tôi khuyến cáo vợ và các con cùng người thân nên tầm soát các bệnh không lây nhiễm để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe”-ông Hạ chia sẻ.
Điều đáng nói là người mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng trẻ hóa. Việc chủ quan với bệnh ở người trẻ, không tuân thủ điều trị cũng khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Khái niệm “huyết áp tăng” mới được đưa ra vì một số người bệnh có huyết áp trong khoảng này và có nguy cơ tim mạch cao cũng cần được bắt đầu điều trị bằng thuốc. Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” do căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình, không có dấu hiệu báo trước rõ ràng.
Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả bệnh. Việc phân tầng nguy cơ tim mạch dựa vào con số huyết áp và yếu tố nguy cơ của người bệnh.
Đừng chủ quan với bệnh không lây nhiễm!
Theo bác sĩ Toán, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trẻ (18-40 tuổi) đang gia tăng, dẫn đến gánh nặng bệnh tật, nguy cơ tử vong và số năm sống chung với bệnh cũng tăng lên. Hiện nay, nhận thức và điều trị tăng huyết áp ở nhóm người trẻ lại thấp hơn các nhóm tuổi khác, dẫn đến việc kiểm soát bệnh lý kém.
“Tất cả người bệnh trẻ tuổi, bất kể nguy cơ tim mạch, đều được khuyến cáo thay đổi lối sống để hạ huyết áp. Ở người bệnh trẻ tuổi có chỉ định thuốc hạ áp, cần lưu ý giáo dục bệnh nhân tầm quan trọng của việc tuân thủ dùng thuốc và tái khám theo dõi thường xuyên, vì tỷ lệ tuân thủ điều trị ở nhóm tuổi này khá thấp (dưới 50% trong một số nghiên cứu)”-bác sĩ Toán cho hay.
Bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Ảnh: Như Nguyện
Đối với bệnh đái tháo đường (một trong những bệnh mạn tính phổ biến và đang gia tăng nhanh chóng), mọi người cần đặc biệt quan tâm. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đa phần người mắc bệnh đái tháo đường ở độ tuổi phổ biến trên 60 tuổi nhưng vẫn ghi nhận nhiều người trẻ mắc phải.
Việc phát hiện muộn và không kịp thời điều trị sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm như: bệnh thận mạn tính, bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên có thể dẫn đến cắt cụt chi, mù mắt, giảm chất lượng cuộc sống, rút ngắn tuổi thọ.
“Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, hiểu biết của cộng đồng về “kẻ giết người thầm lặng” này còn nhiều hạn chế do thiếu sự thăm khám, kiểm tra định kỳ.
Nhiều người khi gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe còn tìm đến thầy lang hay các bài thuốc dân gian thay vì đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, dẫn đến khi xảy ra các biến cố thì đã quá muộn. Một số người trình độ thấp nên khó tiếp thu được những thông tin chuyên môn về bệnh học.
Một bộ phận khác còn bảo thủ trong việc tiếp cận thông tin mới, dẫn đến thiếu kiến thức về bệnh, không phát hiện bất thường trong cơ thể”-bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Nghĩa-Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhấn mạnh.
Hiện tại, tỉnh đã triển khai đồng bộ công tác phòng-chống bệnh không lây nhiễm ở 17 trung tâm y tế; 218 xã, phường, thị trấn đều đã lập đề án và được UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt, có kế hoạch hành động cụ thể trong phòng-chống các bệnh không lây nhiễm.
Tất cả cán bộ chuyên trách đã được tập huấn về phát hiện sớm, chẩn đoán, quản lý, điều trị dự phòng các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở; tăng cường tuyên truyền giúp người dân nâng cao hiểu biết về bệnh và chủ động các biện pháp phòng ngừa, góp phần tích cực vào công tác phòng-chống bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.
NHƯ NGUYỆN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/gia-tang-benh-khong-lay-nhiem-post317203.html