Theo dữ liệu công bố hôm thứ Ba, chỉ số MUVV tăng 1,6% trong tháng 6 so với tháng trước (sau điều chỉnh theo mùa), và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong gần ba năm, đưa chỉ số này lên 208,5 điểm, cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động dây chuyền của chính sách thuế 25% áp lên ôtô nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump.
“Giá xe bán buôn trong quý II biến động mạnh khi thuế quan tác động rõ rệt đến doanh số và nguồn cung xe mới, từ đó lan sang cả thị trường xe cũ”, ông Jeremy Robb, Giám đốc cao cấp bộ phận phân tích kinh tế và ngành hàng tại Cox Automotive, nhận định.
Thông thường, giá xe có xu hướng hạ nhiệt trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, ông Robb cho biết thị trường xe lẻ vẫn giữ được sức mua tốt so với các năm trước. Đồng thời, lượng xe trả về sau hợp đồng thuê giảm mạnh, khiến nguồn cung xe cũ hạn chế hơn. Cả hai yếu tố này đang góp phần giữ giá xe ở mức cao.
Trong mùa xuân, người tiêu dùng Mỹ đã đổ xô mua xe mới trước khi thuế áp dụng, khiến doanh số tăng vọt. Tuy nhiên, doanh số đã giảm mạnh trong tháng 5 và tiếp tục đi xuống trong tháng 6.
Người dùng Mỹ đổ xô mua xe cũ trước khi mức thuế mới được áp dụng. Ảnh: Reuters.
Dù lạm phát toàn phần tại Mỹ chưa bùng phát trở lại như dự đoán của nhiều nhà phân tích, giới chức Cục Dự trữ Liên bang (FED) vẫn giữ quan điểm thận trọng. Họ cho rằng nguy cơ tăng giá vẫn hiện hữu và chưa vội cắt giảm lãi suất.
Chỉ số MUVV từng là dữ liệu quan trọng đối với nhiều chuyên gia kinh tế và quan chức của Fed, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID. Cuối năm 2020, chỉ số này bắt đầu tăng mạnh và kéo dài hơn một năm. Đến giữa năm 2022, lạm phát tại Mỹ theo chỉ số CPI đã vượt 9 phần trăm, mức cao nhất kể từ thập niên 1980.
“Không nên bỏ qua các chỉ số như giá xe cũ, thực phẩm, năng lượng hay khảo sát kỳ vọng từ người tiêu dùng. Chúng đều cung cấp thông tin quan trọng về xu hướng lạm phát”, Thống đốc Fed Christopher Waller từng cảnh báo.
Đan Thanh
theo Reuters