Giữ gìn hồn cốt dân tộc Mường - hành trình tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại: Bài 3 - Phát huy văn hóa Mường trong cuộc sống hôm nay

Giữ gìn hồn cốt dân tộc Mường - hành trình tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại: Bài 3 - Phát huy văn hóa Mường trong cuộc sống hôm nay
một ngày trướcBài gốc
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực trong việc gìn giữ bản sắc, mà còn phải đi đôi với loại bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển đời sống văn hóa mới, góp phần tạo dựng những giá trị bền vững cho cộng đồng dân tộc Mường ở Hòa Bình.
Trường TH&THCS Do Nhân (Tân Lạc) đưa giáo dục văn hóa Mường vào trường học.
Nhận diện thách thức
Cùng với khẳng định những kết quả đã đạt được trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc Mường, đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Tác động của mặt trái cơ chế thị trường làm cho một bộ phận nhân dân chạy theo giá trị vật chất, dần đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống. Một số loại hình di sản văn hóa (DSVH) trong kho tàng DSVH dân tộc Mường Hòa Bình có nguy cơ mai một, thất truyền. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường chưa tương xứng với giá trị của di sản. Nhiều DSVH có giá trị của dân tộc Mường chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng để bảo tồn. Công tác kiểm kê khoa học về DSVH phi vật thể của người Mường còn hạn chế; việc nghiên cứu lập hồ sơ di sản đề nghị đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia còn ít.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu DSVH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động trưng bày giới thiệu DSVH dân tộc Mường Hòa Bình tại Bảo tàng tỉnh chưa hấp dẫn. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị DSVH còn hạn chế. Cùng với đó là tình trạng xâm hại di tích, trộm cắp di vật, cổ vật dân tộc Mường còn diễn ra. Một số di tích đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Chưa có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân đang nắm giữ DSVH của dân tộc Mường, nhất là các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân”, "Nghệ nhân Ưu tú” tham gia truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.
Cùng tâm tư về những khó khăn trong công tác phát huy giá trị văn hóa Mường, nghệ nhân Bùi Văn Rửm, xóm Rọm Cọ, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) chia sẻ: Nhiều DSVH, trong đó có mo Mường là những "báu vật" của văn hóa Mường đang dần bị mai một. Chúng tôi vẫn đam mê, miệt mài giữ gìn, nhưng nỗi lo lớn nhất là rất khó tìm được người trẻ kế cận để truyền dạy...
Để giá trị văn hóa Mường mãi trường tồn
Thấm nhuần quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…” định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Nhận thức những thách thức trong quá trình phát triển, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường. Lần đầu tiên việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường và nền Văn hóa Hòa Bình được xác định là khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những giải pháp cụ thể để văn hóa Mường được lưu giữ, phát triển và lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường trong bối cảnh mới được gắn với nguồn lực thực hiện.
Năm 2023, tỉnh ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030. Đề án dành nguồn lực trên 500 tỷ đồng để đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình. Trong đó, tổ chức lập quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Trong đề án cũng xác định những việc cần làm như: Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm các DSVH có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ của dân tộc Mường để trưng bày giới thiệu, quảng bá; xây dựng các sản phẩm văn hóa đương đại mang đặc trưng của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình phục vụ khách tham quan du lịch. Kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước nguy cơ mai một do các nghệ nhân nắm giữ DSVH đã cao tuổi. Phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, trang phục truyền thống, nhà sàn truyền thống, hát dân ca, nghệ thuật chiêng Mường, mo Mường và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường Hòa Bình. Đầu tư khôi phục, tôn tạo một số di tích mang đặc sắc kiến trúc văn hóa dân tộc Mường đã bị mai một.
Cụ thể, phục chế 20 trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh để bảo quản và trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Lựa chọn 5 điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống để bảo tồn không gian văn hóa của người Mường. Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh đối với Quần thể hang động chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy. Về DSVH phi vật thể, hoàn thiện hồ sơ khoa học DSVH mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy DSVH phi vật thể của dân tộc Mường về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đưa văn hóa Mường vào chương trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh hiểu và trân trọng DSVH dân tộc. Có chính sách hỗ trợ nghệ nhân mo, chiêng Mường. Khuyến khích học sinh, cán bộ, công chức mặc trang phục Mường vào thứ Hai hằng tuần. Khai thác du lịch văn hóa Mường kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Xây dựng thư viện số về mo Mường và hệ thống dữ liệu chiêng Mường. Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo dệt thổ cẩm, nhạc cụ Mường trở thành sản phẩm quà tặng du lịch...
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình tập trung vào việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của DSVH. Cùng với đó, phát triển du lịch văn hóa cũng là hướng đi tiềm năng. Bằng cách xây dựng các tour du lịch trải nghiệm văn hóa Mường, giới thiệu, quảng bá DSVH đến du khách, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Với sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền, nghệ nhân, cộng đồng và những cá nhân tâm huyết, văn hóa Mường sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, không chỉ như một di sản quý báu của người Mường, mà còn là nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Hương Lan
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/220/199841/giu-gin-hon-cot-dan-toc-muong-hanh-trinh-tiep-noi-tu-truyen-thong-den-hien-dai-bai-3-phat-huy-van-hoa-muong-tr111ng-cuoc-song-hom-nay.htm