Quang cảnh Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng: Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp”.
Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng, xác lập cơ sở khoa học và đưa ra các định hướng, giải pháp khả thi để xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy của thành phố Hải Phòng trong giai đoạn tới.
Với hệ thống sông ngòi phong phú, hơn 50 con sông lớn, nhỏ và 16 tuyến sông chính như: Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình…, Hải Phòng có lợi thế tự nhiên rõ rệt để phát triển loại hình du lịch đường thủy. Những dòng sông nơi đây không chỉ là huyết mạch giao thương, mà còn mang trong mình chiều sâu văn hóa, lịch sử đáng tự hào.
Từ thời nữ tướng Lê Chân chọn vùng đất ven sông Cấm lập trang An Biên, đến những chiến thắng lẫy lừng tại Bạch Đằng Giang - dòng sông “linh thiêng và hào hùng vào bậc nhất Việt Nam”, sông ngòi Hải Phòng đã gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bên cạnh giá trị văn hóa, lịch sử, các dòng sông còn đóng vai trò kết nối hệ sinh thái ven biển, tạo ra không gian cảnh quan độc đáo và cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
Hải Phòng có hệ thống sông ngòi phong phú, hơn 50 con sông lớn, nhỏ và 16 tuyến sông chính.
Tuy nhiên, du lịch đường thủy ở Hải Phòng hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức sơ khai. Ngoài khu vực Cát Bà có hơn 200 phương tiện hoạt động vận tải khách du lịch, các tuyến khác chủ yếu phục vụ vận tải hành khách và diễn ra mang tính thời vụ, tự phát. Thành phố hiện chưa có sản phẩm du lịch đường sông đặc thù, thiếu cả hạ tầng cơ bản lẫn định hướng phát triển đồng bộ.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Hải Phòng chủ trì hội nghị.
Hội thảo đã chỉ ra 4 nhóm chính đang cản trở sự phát triển du lịch đường sông Hải Phòng: hạ tầng giao thông đường thủy yếu kém; các cảng, bến tàu hiện có đều thiên về chức năng vận tải hàng hóa, chưa có bến du thuyền quốc tế hay cảng tàu phục vụ du lịch chuyên biệt. Một số tuyến sông còn bị bồi lắng, luồng lạch hạn chế, thiếu bến neo đậu tại các điểm đến du lịch tiềm năng. Dự án bến du thuyền Vũ Yên của Vingroup dù đáng ghi nhận, nhưng quy mô nhỏ, phục vụ chủ yếu cho cư dân nội khu.
Tiếp theo là thiếu chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bài bản. Cho đến nay, Hải Phòng chưa xây dựng đề án hay dự án chuyên biệt nào về phát triển du lịch đường sông. Hoạt động du lịch hiện tại chủ yếu tự phát, manh mún, thiếu kết nối, dịch vụ nghèo nàn và khó tạo sức hút lâu dài.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Bên cạnh đó, cảnh quan sông chưa được đầu tư đúng mức. Dọc các dòng sông vẫn còn tình trạng ô nhiễm, rác thải, bèo lục bình, thiếu hệ thống chiếu sáng nghệ thuật và các công trình điểm nhấn tạo ấn tượng với du khách. Thiếu vắng các điểm trải nghiệm, khám phá ven sông.
Du lịch đường thủy không chỉ diễn ra trên mặt sông, mà còn cần hệ sinh thái dịch vụ hai bên bờ, từ các điểm văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, đến không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng…
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và thực trạng, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tại hội thảo đã thống nhất cao với bốn định hướng chiến lược để phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng.
PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại Hội thảo.
Thành phố Hải Phòng cần sớm xây dựng Đề án tổng thể phát triển du lịch đường thủy, xác định các tuyến trọng điểm, các điểm dừng chân, check-in, trung tâm đón khách. Song song đó là nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, từ nạo vét luồng lạch, xây dựng bến tàu, cầu cảng đến hệ thống dịch vụ đi kèm như: nhà hàng, khách sạn, khu trải nghiệm, chiếu sáng nghệ thuật ven sông…
Hải Phòng cần tập trung vào các sản phẩm khai thác chiều sâu văn hóa, lịch sử gắn với các dòng sông; xây dựng các tour du lịch sông, biển kết nối nội đô với Cát Bà; tổ chức show diễn nghệ thuật trên mặt nước; thiết kế tàu du lịch theo phong cách riêng mang đậm bản sắc vùng đất cảng. Mỗi dòng sông phải là một “sản phẩm du lịch sống động”, kể lại câu chuyện riêng, gắn liền với cảnh quan và trải nghiệm đa dạng.
Hải Phòng là đầu mối giao thông thủy của khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc. Việc liên kết với Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình… để hình thành các tour du lịch đường sông liên tỉnh sẽ giúp gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời góp phần phát triển kinh tế vùng một cách bền vững.
Du lịch đường thủy không thể phát triển nếu sông ngòi bị ô nhiễm. Do đó, thành phố Hải Phòng cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ xả thải, đầu tư xử lý nước thải, thu gom rác ven sông, trồng cây xanh bảo vệ bờ. Mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, cộng đồng ven sông cần được khuyến khích, vừa thu hút du khách vừa gìn giữ môi trường tự nhiên.
Bến tàu Máy Chai kết nối ra thành phố Đảo Hoàng Gia-Vinhomes Royal Island Vũ Yên.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng xác định là đơn vị đầu mối xây dựng và triển khai chính sách phát triển du lịch đường thủy. Cơ quan này cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng và cơ chế cấp phép hoạt động cho các phương tiện thủy phục vụ du lịch, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, xanh và bền vững.
Ngoài ra, cần thúc đẩy truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch đường sông Hải Phòng trên các nền tảng số, tổ chức các lễ hội văn hóa ven sông, tăng cường hợp tác công, tư để kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn lớn, tạo đà cho ngành du lịch phát triển đột phá.
TS Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: “Phát triển du lịch đường sông là một bài toán mới và khó, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với sự đồng hành của các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, chúng tôi tin tưởng rằng các dòng sông của Hải Phòng trong tương lai gần sẽ tấp nập ‘trên bến dưới thuyền’, trở thành sản phẩm du lịch chủ lực, đặc sắc và hấp dẫn mọi du khách”.
Du lịch đường thủy mang trong mình tiềm năng to lớn để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mới của Hải Phòng. Khi có quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ, dịch vụ chất lượng và môi trường được bảo vệ, dòng chảy văn hóa, kinh tế này sẽ góp phần nâng tầm vị thế thành phố Cảng như một đô thị biển xanh, văn minh và hiện đại, xứng đáng là trung tâm du lịch hàng đầu khu vực.
PHẠM QUÂN