Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Chiều 29/4, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền. Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và các vị đại biểu HĐND tỉnh tham dự.
Hà Tĩnh còn 69 xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cùng các Ủy viên BTV Tỉnh ủy tham dự kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh nhấn mạnh: kỳ họp sẽ bàn về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh, từ 209 xuống còn 69 ĐVHC cấp xã (9 phường, 60 xã). Trong đó, 2 xã giữ nguyên, 67 xã, phường thuộc diện sắp xếp. Các cấp, ngành đã bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương; đặc biệt, đã lấy ý kiến của Nhân dân với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Một số ý kiến, nội dung được cử tri quan tâm có ý kiến đã được điều chỉnh, giải trình, tiếp thu và hoàn thiện kịp thời.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh khai mạc kỳ họp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh cũng trao đổi: Về quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân, theo quy định tại Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ngày 25/10/2024, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Các nội dung đã được UBND tỉnh chuẩn bị công phu, đảm bảo quy trình, quy định; Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban HĐND tỉnh thẩm tra, có ý kiến và thống nhất trình kỳ họp. Đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến chất lượng vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Đối với các nội dung đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, có ý kiến, đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao báo cáo, giải trình làm rõ thêm để HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo trình bày tờ trình.
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Đạo trình bày tờ trình về việc tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh năm 2025.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Ngọc Huấn thông qua tờ trình quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân; xử lý chi phí thanh lý rừng trồng trong trường hợp không có nguồn thu từ bán lâm sản hoặc nguồn thu từ bán lâm sản nhỏ hơn chi phí thực hiện thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga trình bày báo cáo thẩm tra.
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh cũng lần lượt nghe Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Nhuần, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Thị Thúy Nga trình bày báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh.
Làm rõ các ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra, đại biểu đã tiến hành thảo luận về các nội dung. Trong đó, vấn đề sắp xếp ĐVHC cấp xã nhận được sự quan tâm của các đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các nội dung liên quan đến tên gọi, mục tiêu phát triển đô thị đối với các ĐVHC có xã sáp nhập vào phường.
Đại biểu Thái Văn Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, việc đặt tên các ĐVHC cấp xã sau sáp nhập như hiện nay mang ý nghĩa lịch sử.
Các đại biểu đồng tình về việc đặt tên các ĐVHC cấp xã sau sáp nhập, tuân thủ các nguyên tắc đặt tên địa danh và phù hợp xu thế hội nhập, phát triển.
Đại biểu Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm liên quan tới sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.
Các địa phương đã tiến hành thông báo niêm yết công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về sắp xếp, đặt tên ĐVHC cấp xã. Đồng thời, tiến hành tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân. Quá trình sắp xếp ĐVHC đảm bảo quy định pháp lý và lợi ích tổng thể; việc đặt trung tâm ĐVHC mới được người dân đánh giá là thuận tiện. Đối với tên gọi ĐVHC mới, các địa phương đã tuân thủ quy trình, quy định và được đông đảo Nhân dân đồng tình, thống nhất cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh làm rõ các nội dung liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Đại biểu khẳng định, sau khi nghị quyết về sắp xếp ĐVHC tại Hà Tĩnh được thông qua, các địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền những vấn đề người dân quan tâm để tạo sự đồng thuận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cho ý kiến vào các nội dung dự thảo nghị quyết.
Sau khi thư ký kỳ họp thông qua các dự thảo nghị quyết, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 2 nghị quyết.
2 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh khóa XVIII:
1. Nghị quyết về việc tán thành chủ trương, thông qua Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã năm 2025.
2. Nghị quyết quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hà Tĩnh.
Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Bế mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh khẳng định: Sau 1 buổi làm việc dân chủ, khẩn trương, Kỳ họp thứ 27 đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra với sự đồng thuận rất cao. Trên cơ sở các tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã cho ý kiến và thống nhất thông qua các nghị quyết.
Đại biểu biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết.
Ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, đề án, trình Trung ương theo quy định, đảm bảo các mốc thời gian.
Theo quy định, sau khi UBND tỉnh trình Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc thành lập các ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Tĩnh, bộ máy chính quyền cấp xã mới sẽ chính thức hoạt động và kết thúc hoạt động của cấp huyện. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các phương án, đề án để tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện; trong đó lưu ý việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức; giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách sau sáp nhập; xử lý hiệu quả trụ sở, tài sản công sau sắp xếp...
Rà soát, tập trung giải quyết các khoản nợ xây dựng cơ bản và các nội dung còn tồn đọng thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp ĐVHC.
Trong công tác lưu trữ, quản lý sử dụng con dấu; chỉnh lý, điều chỉnh thông tin liên quan hồ sơ hộ tịch, đất đai, cần kịp thời, chính xác, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; không để phát sinh vướng mắc, khiếu nại, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhân dân.
Thùy Dương