Học phí đại học tính theo thu nhập bình quân đầu người: Có phù hợp?

Học phí đại học tính theo thu nhập bình quân đầu người: Có phù hợp?
2 ngày trướcBài gốc
Mức học phí không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người
Bộ GDĐT đang đề xuất sửa đổi, bổ sung 20 vấn đề trong Luật Giáo dục Đại học 2018, trong đó có cách tính học phí.
Theo đề xuất, các trường đại học được tự chủ xác định mức học phí dựa trên chất lượng đào tạo. Đối với trường công lập, mức học phí không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người. Luật Giá sẽ được điều chỉnh để đảm bảo thống nhất học phí giữa trường công và tư.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Theo lý giải của Bộ GDĐT, tự chủ học phí là một phần của cơ chế tự chủ đại học và cần thiết để các trường nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần có giới hạn phù hợp để tránh gánh nặng tài chính cho người học, đặc biệt ở các trường công lập. Hiện chưa có quy định mang tính nguyên tắc về mức trần học phí so với thu nhập người dân.
Ghi nhận trong năm học 2024-2025, hàng loạt trường đại học tăng học phí so với năm học trước. Không chỉ tăng trong năm học này, học phí đại học sẽ tiếp tục tăng trong 2 năm tới. Việc tăng này theo Nghị định của Chính phủ để đảm bảo lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trước đó, năm học 2023-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc thế thống giáo dục quốc dân.
Theo Bộ GDĐT, lộ trình học phí chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII vì khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.
Tăng học phí đi kèm tăng chất lượng đào tạo
Về học phí đại học, theo ông Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay trên thế giới, một cách để tính học phí trung bình là thu bằng 50% GDP bình quân đầu người tại thời điểm học.
Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người hiện gần 5.000 USD. Nếu tính theo quy tắc trên thì 1 năm học phí là gần 2.500 USD.
Theo ông Trình, nếu dồn chi phí đó vào vai người học thì rất khó khăn, vì vậy ông Trình mong muốn thời gian tới Chính phủ có nhiều đầu tư cho các trường, đặc biệt là xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Trưởng phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, đề xuất học phí trường công được xác định theo % mức thu nhập bình quân đầu người do Chính phủ quy định của Bộ GDĐT phù hợp với các trường đại học chưa tự chủ tài chính.
Hiện các ngành học có mức thu học phí khác nhau và phụ thuộc vào tín chỉ. Như tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, học phí trung bình từ 12 đến 15 triệu đồng/năm. Theo ông Hà, học phí của trường đại học công lập còn thấp. Chính vì vậy, nhiều trường đại học thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính.
“Việc tăng học phí sẽ đi kèm với tăng chất lượng đào tạo. Các trường sẽ chủ động hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học”, ông Hà nêu quan điểm.
Nguyễn Hoài
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/hoc-phi-dai-hoc-tinh-theo-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-co-phu-hop-10302634.html