Chiều 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ, miễn học phí ở bậc mầm non, phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Miễn học phí rồi, cũng cần hạn chế các loại phí khác
Phát biểu tại tổ, các đại biểu bày tỏ đồng thuận cao với hai dự thảo nghị quyết trên, đồng thời nhấn mạnh đây là bước tiến dài trong hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng cho người dân, thể hiện sinh động bản chất ưu việt của chế độ…
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: “Đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn. Gần 80 năm sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, đến giờ ta mới làm được việc miễn giảm học phí cho học sinh”.
Tuy nhiên, đại biểu Cừ cho rằng để chính sách miễn học phí phát huy được tính ưu việt, các trường công lập cũng phải hạn chế phí khác để giảm gánh nặng cho người dân.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội). Ảnh: Khánh Duy
Cũng theo ông Cừ, hiện nay chúng ta có hệ thống trường chuyên lớp chọn là đã đủ bồi dưỡng cho nhóm học sinh có học lực tốt. Còn dạy thêm học thêm cho nhóm học sinh có học lực yếu thì nhà nước nên dùng ngân sách hỗ trợ.
“Ở Hà Nội, các loại phí trong trường học không phải là ít đâu. Ngoài miễn học phí thì các loại phí khác cần giảm tối đa. Nhà nước đã lo những cái lớn cơ bản, đừng vì cái khác mà ảnh hưởng chính sách ưu việt này”, đại biểu Cừ nói.
Học sinh nhà giàu có cần hỗ trợ, miễn học phí?
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, nguy cơ quá tải trường công.
Bà Lan đề nghị bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, để đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều thực sự.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc hỗ trợ, miễn học phí tại các loại hình cơ sở giáo dục như: trường công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm, tư thục...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Khánh Duy
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho hay những gia đình khó khăn, hộ nghèo chủ yếu là cho con học ở những trường có mức học phí thấp. Các gia đình có điều kiện đầu tư rất lớn cho con học ở các trường có mức học phí rất cao.
Theo đó, đại biểu đề nghị cần phân biệt hai nhóm học sinh này có sự hỗ trợ, giảm học phí cho phù hợp. Cụ thể, nhóm học sinh nhà có điều kiện có thể hỗ trợ thấp hơn, thậm chí không cần hỗ trợ.
“Quy định như thế sẽ bảo đảm sự công bằng hơn, đặc biệt là sự công bằng giữa con em của các gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau”, đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (TP.HCM). Ảnh: CTV
Cùng vấn đề, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho biết chính sách hỗ trợ, miễn học phí đưa ra là dành cho những gia đình chưa có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn và họ rất phấn khởi. Tuy nhiên, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế và cho con em học ở các cơ sở dân lập, tư thục, học phí lên tới hàng chục triệu đồng/tháng... thì liệu có cần hỗ trợ?
“Vậy những gia đình đó liệu họ có cần sự hỗ trợ này không?”, ông Đức đặt vấn đề. Theo ông, cần có quy định việc những gia đình này khi không nhận hỗ trợ thì Nhà nước dùng phần đó để hỗ trợ các đối tượng khó khăn hơn.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng chính sách khi đưa ra là phải bao quát tất cả đối tượng. Trong đó, có những người thu nhập cao, việc hỗ trợ học phí mấy trăm nghìn/năm cũng không đáng là bao song thể hiện tính công bằng, sự ưu việt của chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: CTV
“Khi hỗ trợ cho người dân trong đợt dịch COVID-19 cũng có ý kiến tương tự, có cơ chế ghi nhận hỗ trợ. Sau đó, nếu người dân không nhận thì cho phép đóng góp ngược lại” – ông Mãi nói và nhìn nhận đây là ý rất hay.
Ông Mãi đề nghị ghi nhận để cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung những trường hợp phụ huynh không nhận mà muốn hỗ trợ lại ngân sách thì giao cho địa phương hướng dẫn thực hiện.
Không lo mất công bằng
Làm rõ thêm các ý kiến thảo luận đã nêu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ.
Về việc lo hệ thống trường công lập quá tải khi miễn học phí, ông Sơn cho biết giữa trường công và trường tư ở nước ta thì tỉ lệ trường công vẫn chiếm con số cao.
“Đối với các trường ngoài công lập ở khu vực Thủ đô, các trường cũng chịu khó đầu tư, có uy tín. Có nhiều trường trong quá trình tuyển sinh hàng năm hồ sơ xếp hàng cũng hơi nhiều”, Bộ trưởng Sơn nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hồ Như Ý
Theo ông Sơn, ngành giáo dục Thủ đô từ năm 2024 trở lại đây đã làm một việc rất quan trọng là tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến. Đây cũng là tiến bộ của giáo dục Thủ đô. Qua các con số cho thấy số lượng tuyển sinh vào các trường tư vẫn áp lực không kém trường công.
“Cho nên lo ngại của đại biểu cũng phải nghĩ đến nhưng không phải quá lo lắng. Bởi các trường tư trên địa bàn Hà Nội cũng đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình và cũng rất nỗ lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Sơn cho hay Nghị quyết cũng đã nêu HĐND cấp tỉnh sẽ xác định mức hỗ trợ cho học sinh trường công, từ đó xác định được mức hỗ trợ tương ứng cho học sinh khối ngoài công lập.
"Về hình thức chi trả, đối với trường công, nhà nước sẽ hỗ trợ cho trường dựa trên số lượng học sinh. Đối với trường tư, nhà nước không nộp thay học phí cho học sinh mà hỗ trợ một phần. Phụ huynh và người giám hộ vẫn đóng học phí theo mức thỏa thuận với cơ sở giáo dục", ông Sơn thông tin.
Liên quan đến kiến nghị hạn chế thu các loại phí khác trong trường học, ông Sơn cho biết việc dạy thêm học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng với ba đối tượng gồm các học sinh yếu, trường hợp bồi dưỡng học sinh giỏi và các học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp và không thu tiền.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết Tổng Bí thư đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh, bộ đang triển khai và áp dụng phương án này từ năm học mới.
Trường mầm non không chỉ là nơi giữ trẻ
Về phổ cập giáo dục mầm non, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đánh giá đây là nghị quyết rất có ý nghĩa nếu xem đầu tư giáo dục là khoản đầu tư quan trọng nhất cho phát triển.
"Không chỉ là chuyện tổ chức nơi giữ trẻ, mà còn là câu chuyện tiếp cận giáo dục sớm, chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng” – ông Mãi nói và khẳng định 5 năm đầu đời trẻ được chăm sóc tốt sẽ quyết định rất lớn đến tầm vóc, chất lượng dân số sau này của đất nước.
Dù vậy, ông Mãi cho rằng nghị quyết hiện mới tập trung vào một vài điểm của giáo dục mầm non. “Điều 3 dự thảo nghị quyết nên nghiên cứu, tính toán chuyện đầu tư để có chương trình giáo dục mầm non chuyên sâu. Ở đây không chỉ là học mà nó là việc tiếp cận sớm với giáo dục của các em” – ông Mãi nói, đồng thời đề nghị quan tâm thêm về các chính sách dinh dưỡng.
Ngoài ra, đại biểu Mãi cũng đề nghị nghiên cứu thêm các cơ chế khuyến khích xã hội hóa để phát triển giáo dục mầm non.
“Phát triển giáo dục mầm non, xã hội hóa là rất quan trọng, nếu không gánh nặng sẽ đặt trên vai ngân sách nhà nước” – ông Mãi nhấn mạnh và khẳng định cần có chính sách mở hơn, linh hoạt hơn để khuyến khích đầu tư xã hội hóa cho giáo dục. Chẳng hạn như giao đất không thu tiền, hoặc thu một con số tượng trưng, miễn thuế cho các cơ sở giáo dục mầm non…
“Khi đó chủ trương, chính sách phổ cập mầm non mới đạt được kết quả như mục tiêu đề ra” – theo ông Mãi.
Hà Nội đang nghiên cứu miễn phí ăn trưa cho học sinh
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết ngoài chính sách miễn học phí, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao thêm cho thành phố tiếp tục nghiên cứu miễn phí, hỗ trợ bữa ăn cho học sinh. Theo ông Tuấn, UBND TP Hà Nội đang nghiên cứu để báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố về vấn đề này.
Đây là chủ trương rất nhân văn, ý nghĩa và với Hà Nội rất trách nhiệm trong thực hiện. Thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, không chỉ trên địa bàn mà còn hỗ trợ các địa phương khác.
NHÓM PHÓNG VIÊN