Kinh tế tư nhân: Bức tranh nhiều điểm sáng

Kinh tế tư nhân: Bức tranh nhiều điểm sáng
9 giờ trướcBài gốc
Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế đóng góp lớn vào ngân sách thành phố năm 2024. Ảnh: Kim Long Motor Huế
Chiếm tỷ trọng lớn
Kinh tế tư nhân bao gồm những doanh nghiệp (DN), những hộ sản xuất, kinh doanh của người Việt Nam đầu tư vốn đang hoạt động trên địa bàn thành phố. DN do người Việt Nam đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh gồm có DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có vốn nhà nước dưới 50% và công ty cổ phần không có vốn nhà nước (gọi chung là DN tư nhân). Ngoài kinh tế tư nhân, nền kinh tế còn có kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài.
Theo Niên giám thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) năm 2023, số lượng các DN tư nhân luôn chiếm tỷ trọng áp đảo trong nền kinh tế. Cụ thể, đầu năm 2023 toàn thành phố có 4.519 DN đang hoạt động thì trong đó có đến 4.450 DN tư nhân, chiếm tỷ trọng đến 98,47%; 21 DN nhà nước, chiếm tỷ trọng 0,46% và 48 DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 1,07%. Nếu tính thêm số DN thành lập mới trong các năm 2023 và 2024 thì tỷ trọng DN tư nhân trong tổng số các DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố còn cao hơn nữa, nhưng Niên giám thống kê năm 2024 chưa được xuất bản.
Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ Dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao tại Huế. Ảnh: Lê Thọ
Bên cạnh các DN tư nhân kể trên, số cơ sở kinh tế cá thể đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn đến đầu năm 2024 là 78.432 cơ sở. Đây là các hộ/cá nhân có đăng ký kinh doanh nhưng không thành lập DN, đang hoạt động ở rất nhiều ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo 10.225 cơ sở; xây dựng 1.647 cơ sở; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác 35.809 cơ sở; dịch vụ lưu trú và ăn uống 16.694 cơ sở; hoạt động kinh doanh bất động sản 4.053 cơ sở; giáo dục đào tạo 278 cơ sở… Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn cá nhân, hộ gia đình đang hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở khắp nơi. Điều đó cho thấy, kinh tế tư nhân đang có một lực lượng rất hùng hậu mà hai thành phần kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài khó sánh kịp.
Với số lượng DN tư nhân và các cá nhân/hộ gia đình đang hoạt động sản xuất, kinh doanh áp đảo nêu trên, kinh tế tư nhân đang hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Từ các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, tiệm may, sửa chữa ô tô, xe máy, taxi, kinh doanh buôn bán dọc các đường phố, các chợ ở đô thị và nông thôn, ở mọi ngõ ngách làng quê, khu phố, trong các khu, cụm công nghiệp… tuyệt đại đa số đều thuộc thành phần kinh tế này. Kinh tế tư nhân đang đáp ứng hầu hết các nhu cầu của đời sống xã hội.
Giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động
Kinh tế tư nhân còn là chủ thể giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đại đa số người lao động. Cũng theo Niên giám thống kê, đầu năm 2023, riêng các loại hình DN trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho 98.198 lao động thì các DN tư nhân đã giải quyết việc làm cho 63.968 người, chiếm 65,14%. Số lao động làm việc tại các cơ sở kinh tế cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản là 113.169 người. Trong lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp, kinh tế tư nhân giải quyết việc làm cho 50.169 lao động… Nhờ đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi bị thất nghiệp của Huế đầu năm 2024 chỉ còn 2,51% (thành thị 2,71%, nông thôn 2,28%), góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Kinh tế tư nhân cũng đóng góp cao nhất vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Huế (GRDP) xét cả 3 tiêu chí là quy mô, tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, về quy mô, tổng giá trị GRDP theo giá hiện hành năm 2023 của thành phố là 72.865,6 tỷ đồng thì kinh tế tư nhân đóng góp lên đến 35.356,3 tỷ đồng, trong khi kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt đóng góp là 20.784 tỷ đồng, 9.065,4 tỷ đồng và 7.659,9 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là 48,53%, 28,52%, 12,44% và 10,51%. Kinh tế tư nhân cũng dẫn đầu về tốc tộ tăng trưởng, cụ thể: Tốc độ tăng GRDP năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) của các loại hình kinh tế tư nhân, nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là 8,85%, 4,65%, 8,52% và 2,14%, giúp cho GRDP của thành phố năm này tăng 7,03%. Điều đó cho thấy, kinh tế tư nhân đang giữ vai trò rất quan trọng đối với kinh tế của Huế (đóng góp gần 50% vào GRDP) và đang là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của địa phương. Muốn cải thiện quy mô GRDP, GRDP bình quân đầu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố - những điểm yếu nội tại hiện nay, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tập trung tháo gỡ những rào cản để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn nữa.
Trong nhiều năm liền, kinh tế tư nhân luôn dẫn đầu về tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, như năm 2023 là 55,04%. Đây là nguồn lực để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và tích lũy tài sản cho kinh tế thành phố. Hàng năm, thành phần kinh tế này đóng góp khoảng 30% vào tổng nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Kinh tế tư nhân đa phần có bộ máy điều hành tinh gọn nên rất linh hoạt ứng phó trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản để phát triển
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế tư nhân của thành phố hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Số lượng DN tư nhân so với nhiều địa phương khác chưa nhiều, nhiều DN phải tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động. Tuyệt đại đa số DN tư nhân có quy mô siêu nhỏ hoặc nhỏ. Số DN dưới 5 người chiếm đến 49,15%; số DN dưới 10 người chiếm đến 74,31%; số DN từ 200 người trở lên chỉ chiếm 0,77%/tổng số các DN đang hoạt động trong nền kinh tế. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn rất hạn chế. Các hộ kinh doanh không muốn công khai thông tin kinh tế, ít muốn trở thành DN. Hoạt động của kinh tế cá thể, hộ gia đình đa phần còn manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm có thương hiệu, có tính cạnh tranh quốc gia, quốc tế còn ít. Bên cạnh đó, những vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, về tiếp cận các nguồn lực và cách ứng xử đối với kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản… đã cản trở sự phát triển, bùng nổ của thành phần kinh tế này trong thời gian qua.
Hiện, Đảng và Nhà nước đã kịp thời nhận ra vai trò, vị trí và động lực đặc biệt quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển hùng cường của đất nước, của dân tộc nên đã và đang ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để khơi dậy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, lòng tự tôn, tự hào dân tộc… để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Thực hiện tốt, kịp thời, nhanh chóng các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế tư nhân sẽ giúp cho bức tranh kinh tế tư nhân có nhiều điểm sáng và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Tuấn Hà (Tổng hợp)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/kinh-te-tu-nhan-buc-tranh-nhieu-diem-sang-152957.html